Giữa lúc quan hệ Mỹ-Iran leo thang căng thẳng cực độ, liên quan tới việc quân đội Mỹ đã điều các lực lượng quân sự, bao gồm một tàu sân bay và máy bay ném bom B-52, đến Trung Đông để chống lại những gì họ cho là “mối đe dọa” từ Iran, quốc gia Hồi giáo này vừa thẳng thừng tuyên bố không coi sự hiện diện của quân đội Mỹ tại vùng Vịnh là mối đe doạ. Trái lại, Iran còn có phản ứng cứng rắn trước các động thái quân sự của Mỹ gần đây, thậm chí khẳng định sẽ tấn công phủ đầu một khi Mỹ khơi mào một cuộc chiến.
Iran phản ứng cứng rắn trước các động thái quân sự của Mỹ gần đây, thậm chí khẳng định sẽ tấn công phủ đầu một khi Mỹ khơi mào cuộc chiến. Ảnh: Reuters |
Trong một phiên họp kín ngày hôm qua (12/5), người đứng đầu lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), tướng Hossein Salami nhận định, Mỹ đang bắt đầu một cuộc chiến tâm lý nhằm đe dọa Iran và rằng chuyện di chuyển quân đến và đi khỏi khu vực Trung Đông của Mỹ là hoạt động bình thường và sẽ không có chuyện Mỹ sẽ dùng tàu sân bay đánh Iran. Lý giải cho nhận định của mình, ông Salami bày tỏ tin tưởng năng lực phòng thủ của Iran là “tương xứng và đủ khả năng” đối phó Mỹ, trong khi chỉ ra “điểm yếu” của tàu sân bay của Mỹ, vì vậy cho rằng Mỹ sẽ không dễ gì mạo hiểm khi khai chiến với Iran.
Hiện khó có thể lý giải động cơ thực sự từ hành động của Mỹ, song nhiều chuyên gia quân sự cho rằng, việc Mỹ triển khai tàu sân bay tới vùng biển áp sát Iran có thể đã được lên kế hoạch từ lâu. Về phía Mỹ, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã giải thích rõ lý do Mỹ điều động nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln và một lực lượng ném bom đặc biệt tới vùng Vịnh là phản ứng trước thông tin tình báo về các mối đe dọa được lên kế hoạch bởi Iran.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng của Mỹ, tướng Joseph Dunford cũng khẳng định: "Trọng tâm của chúng tôi hiện tại là ngăn chặn các mối đe dọa. Chúng tôi muốn gửi thông điệp rõ ràng tới Iran để nước này nhận thức được điều đó. Chúng tôi đã nhận thấy những nguy cơ tiềm ẩn và chúng tôi đã được yêu cầu để đối phó với những mối đe dọa này".Rõ ràng, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố không muốn một cuộc chiến với Iran, song những hành động của họ dường như lại gửi đi thông điệp ngược lại. Quan hệ Mỹ-Irankhông thể không bị tác động bởi những động thái triển khai khí tài quân sự mới nhất của Mỹ.
Thêm 1 diễn biến đáng lưu ý giữa lúc quan hệ Mỹ- Iran đang liên tiếp vấp phải sóng gió, Saudi Arabia hôm nay thông báo 2 tàu chở dầu của họ bị phá hoại ở vùng biển ngoài khơi Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, gây thiệt hại đáng kể cho các tàu. Một trong hai con tàu đó đang trên đường lấy dầu từ Saudi Arabia chở đến Mỹ. Mặc dù giới chức Các tiểu vương quốc Arab thống nhất đến nay vẫn từ chối đề cập cụ thể về bản chất vụ phá hoại và cũng không xác định ai có khả năng phải chịu trách nhiệm. Song thông tin này ngay lập tức trở thành tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế bởi xuất hiện sau khi Mỹ cảnh báo các tàu rằng “Iran hay các lực lượng đại diện” có thể tấn công vào những phương tiện trên biển ở khu vực.
Một thực tế không thể phủ nhận, mối quan hệ Mỹ- Iran đang ở giai đoạn cực kỳ nhạy cảm. Chính Tổng thống Iran Hassan Rouhani vừa phải thừa nhận Iran đang đối mặt với một cuộc “chiến tranh toàn diện” với các động thái ngăn chặn chưa có tiền lệ về kinh tế và chính trị của Mỹ. Tuy nhiên nhà lãnh đạo Iran vẫn khẳng định, quốc gia Hồi giáo này “không nên chấp nhận khuất phục mà nên cố gắng tìm một giải pháp”.
Trong khi đó, ông Mohammad Marandi, giáo sư Đại học Tehran cảnh báo, trong trường hợp bùng nổ một cuộc chiến giữa Mỹ và Iran, sẽ đẩy thị trường dầu thô thế giới vào cảnh hỗn loạn và gây nên khủng hoảng kinh tế trầm trọng chưa từng thấy.
Về phía các chuyên gia của Mỹ, ông Ilan Goldenberg - một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ lo ngại những tính toán sai lầm có thể châm ngòi một cuộc chiến mới bùng nổ tại Trung Đông. Trong khi, một cựu quan chức khác thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman cũng đưa ra nhận định, những bước đi gia tăng sức ép kinh tế và quân sự của Mỹ gần đây có thể lôi Iran nhảy vào vòng xoáy leo thang nguy hiểm với "rủi ro bùng nổ chiến tranh tăng theo từng ngày”.
Vô số viễn cảnh tồi tệ nhất cũng được các chuyên gia phân tích đưa ra liên quan tới xung đột Mỹ- Iran, song cũng không ít quan điểm cho rằng, một cuộc chiến giữa Mỹ-Iran vào thời điểm này là khó có thể xảy ra. Đô đốc nghỉ hưu William Fallon, người từng làm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, vừa trả lời phỏng vấn hãng tin Al Jazeera nhấn mạnh rằng “căng thẳng giữa Tehran và Washington đã diễn ra trong nhiều thập kỷ” và ông không thấy có nguy cơ nghiêm trọng nào bất chấp cuộc chiến ngôn mạnh mẽ gần đây từ cả 2 phía./.
Chính phủ Iran sẽ kiện các quan chức Mỹ tại các Tòa án Iran