Những diễn biến này là tích cực, tuy nhiên mới chỉ mở ra hy vọng tạm thời để kéo dài thời gian giải quyết nguy cơ sụp đổ hệ thống tài chính và vỡ nợ của Hy Lạp. Bởi để có được sự giúp đỡ lâu dài từ các định chế tài chính lớn, Chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras đang phải đối diện rất nhiều khó khăn trước mắt để chứng minh thiện chí với các chủ nợ, đồng thời xoa dịu dư luận trong nước đang cho rằng, chính phủ mới lại đang đi vào “vết xe đổ” trước đây. 

hy_lap_qwuj.jpgHy Lạp đã phải chấp nhận những nhượng bộ nhất định để được gia hạn thêm gói cứu trợ (Ảnh AFP)

Với người dân Hy Lạp, thông tin này được đón nhận với nhiều cảm xúc trái ngược. Một mặt, có không ít người, kể cả trong nội bộ đảng Syriza cầm quyền cho rằng danh sách các cải cách mà Athens gửi cho Brussels ngày 24/2 là một sự nhượng bộ gần như hoàn toàn trước sức ép từ châu Âu. 

Những người này cho rằng việc chấp nhận các cải cách này đồng nghĩa với việc Chính phủ Hy Lạp của tân Thủ tướng Alexis Tsipras sẽ gần như tiếp tục các chính sách thắt lưng buộc bụng như trước, tức là thất hứa với các cử tri vốn bầu cho Đảng Syriza vì đảng này tuyên bố chấm dứt các chính sách khắc khổ. 

Tuy nhiên, dù chỉ trích như thế nhưng công chúng Hy Lạp khi được thăm dò thì đa số vẫn muốn Hy Lạp ở lại trong khu vực đồng euro. Nói cách khác, dù không hài lòng nhưng đa số người dân Hy Lạp vẫn phải chấp nhận các thỏa thuận này vì họ hiểu rằng Hy Lạp gần như không có lựa chọn khác. 

Với các nước EU thì dư luận đặc biệt phức tạp tại Đức, nước vốn khắt khe nhất với Hy Lạp. Thăm dò dư luận tại Đức cho thấy chỉ có 21% người dân Đức đồng tình với thỏa thuận mà châu Âu vừa ký với Hy Lạp. Các tranh luận về việc loại Hy Lạp ra khỏi Eurozone vẫn còn rất nóng bỏng. 

Đức là nền kinh tế số 1 châu Âu và chủ trương kỷ luật tài chính chặt chẽ, vì thế, Đức luôn rất cực kỳ cứng rắn trước các đòi hỏi của tân Chính phủ Hy Lạp. 

Bản danh sách cải cách mà Athens gửi đến Brussels dày 6 trang và hầu hết các cải cách đề cập trong đó cũng chính là những yêu cầu cải cách mà nhóm troika ép các Chính phủ Hy Lạp trước đây phải thực hiện. Vì thế, có thể nói nếu thực hiện đúng cam kết cải cách như trong danh sách này để đổi lấy 4 tháng cứu trợ kéo dài, Hy Lạp của tân chính phủ mới sẽ vẫn thực hiện các chính sách khắc khổ. 

Cụ thể, Hy Lạp sẽ phải giảm số bộ trong Chính phủ từ 16 xuống còn 10 bộ, giảm số “cố vấn đặc biệt”, tức là các công chức cao cấp có nhiều ưu đãi, giảm lương của các nghị sĩ và giảm các hỗ trợ tài chính cho các đảng phái… 

Về thực chất, đó vẫn sẽ là các chính sách thắt lưng buộc bụng. Điều khác biệt giữa chính phủ hiện tại của đảng Syriza với các chính phủ trước, đó là bây giờ Hy Lạp được chủ động hơn trong việc thực hiện các cải cách này, có nghĩa bây giờ Chính phủ Hy Lạp là bên đưa ra các cam kết cải cách và vạch lộ trình chi tiết. Các chủ nợ sẽ phê duyệt và giám sát. Điều này khác với trước đây là nhóm troika đưa ra các yêu cầu cải cách và Hy Lạp chỉ có nghĩa vụ thực hiện theo. 

Một thay đổi khác giữa Chính phủ hiện nay của ông Tsipras với các chính phủ tiền nhiệm là trong các cải cách, vẫn có sự xuất hiện của những “cải cách nhân đạo”, nghĩa là Hy Lạp vẫn sẽ tăng lương tối thiểu và trợ cấp cho những người nghèo nhất, dù chi tiết của cải cách này không được đề cập. Đây là một phần của lời hứa của đảng Syriza khi tranh cử mà họ phải đấu tranh rất gian nan mới giữ được trong đề án cải cách gửi Brussels. 

Việc Hy Lạp phải xuống thang trước châu Âu là điều không thể tránh được vì Hy Lạp cần châu Âu nhiều hơn rất nhiều so với châu Âu cần Hy Lạp. Nếu không được gia hạn thêm 4 tháng, gói cứu trợ cho Hy Lạp sẽ chấm dứt vào cuối tuần này và nước này sẽ ngay lập tức đứng trên bờ vực vỡ nợ do các ngân hàng đã cạn kiệt tiền và nợ công vượt quá sức chi trả. 

Trong thời gian tới, Hy Lạp vẫn sẽ phải cần đến sự trợ giúp của EU mới có thể từng bước ra khỏi khủng hoảng. Theo dự tính của các chuyên gia kinh tế, trong vài năm tới, Hy Lạp vẫn cần thêm 30-40 tỷ euro cứu trợ nữa. 

Thời gian 4 tháng trước mắt là rất cam go với chính phủ Hy Lạp bởi phải cụ thể hóa các cam kết cải cách trước sự giám sát của định chế quốc tế, gồm IMF, EU và ECB. 4 tháng sẽ trôi qua rất nhanh và nếu Hy Lạp không thể hiện được những điều tích cực, tình thế sẽ lại rất khó khăn với nước này. 

Đây là điều đã được bàn rất nhiều trong thời gian qua và là một bài toán hóc búa. Những gì diễn ra ở Hy Lạp cho thấy dân chúng đã bị vắt kiệt sức bởi khủng hoảng và các chính sách khắc khổ và họ cần một chính sách để có thể tồn tại. 

Tiếng nói của người dân Hy Lạp thông qua việc bỏ phiếu đưa đảng Syriza lên cầm quyền là điều mà không ít giới chức ở Brussels cho rằng cần phải lưu tâm. Sau Hy Lạp là Tây Ban Nha, nơi phong trào Podemos đòi từ bỏ các chính sách khắc khổ đang lớn mạnh rất nhanh. 

Vì thế, chắc chắn trong thời gian tới châu Âu sẽ phải có những điều chỉnh nếu không muốn sự đổ vỡ xã hội lan rộng. Thực tế với Hy Lạp cho thấy, châu Âu dù ép được Hy Lạp cam kết cải cách nhưng cũng đã phải nới bỏ một số ràng buộc để nước này có thể có sức để tìm lại tăng trưởng. Tình hình ở một số quốc gia khác như Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha chắc chắn cũng sẽ phải có điều chỉnh, dù việc này là vô cùng phức tạp. 

Vào lúc này, cả Hy Lạp và Liên minh châu Âu đang chờ những thủ tục cuối cùng, đó là các cuộc bỏ phiếu ở một số quốc hội các nước thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu để nhận được sự hỗ trợ tài chính. 

Giới phân tích đánh giá, sẽ có những tranh cãi, thế nhưng, gói cứu trợ cho Hy Lạp rồi cũng sẽ được thông qua để tránh một kịch bản Hy Lạp sụp đổ và rời khỏi Eurozone; đồng thời, bộ ba chủ nợ vẫn giữ vững được cách thức giải quyết khủng hoảng. 

Thế nhưng, dù gói cứu trợ này có được thông qua thì vấn đề của Hy Lạp vẫn chưa được giải quyết triệt để và vết rạn của Eurozone vẫn chưa thể được chữa lành. Vì vậy, đây sẽ còn là một cuộc chiến lâu dài của cả Hy Lạp và Eurozone thời gian tới./.