Ra đi hay ở lại Afghanistan sau quyết định rút quân của Mỹ tại quốc gia Tây Nam Á này là câu hỏi vẫn chưa được giải đáp sau ngày họp đầu tiên Hội nghị Ngoại trưởng các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) theo hình thức trực tuyến.

Sau nhiều lần điều chỉnh quân số tại Afghanistan, đến nay, NATO chỉ còn 11.000 binh sĩ. Trong số này có gần một nửa là binh sĩ Mỹ. Trong bối cảnh đó, việc chính quyền Tổng thống Donald Trump quyết định rút khoảng một nửa quân số của Mỹ trước thời điểm giữa tháng 1/2021 khỏi Afghanistan, khiến trách nhiệm đảm đương an ninh cho Afghanistan giờ gần như được giao lại cho NATO. Số binh sĩ đảm đương nhiệm vụ giảm đi, cộng thêm thiếu vắng sự giúp đỡ của Mỹ, dự báo sẽ khiến các nước đồng minh châu Âu phải chật vật, dù đi hay ở lại quốc gia Tây Nam Á này. Điều này đã được Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thừa nhận ngay tại cuộc họp báo.

Ông Jens Stoltenberg nói: “NATO ủng hộ tiến trình hòa bình ở Afghanistan. Là một bộ phận trong tiến trình đó, chúng tôi cũng đã điều chỉnh sự hiện diện của mình tại đây. Mỹ mới đây quyết định giảm sâu binh sĩ xuống còn 2.500 trong khi nhiệm vụ huấn luyện binh sĩ cho Afghanistan vẫn còn đó, vẫn phải tiếp tục. Để tiếp tục hỗ trợ Afghanistan trong cuộc chiến chống khủng bố, chúng tôi sẽ phải tiếp tục đánh giá tình hình. Tuy nhiên, một điều có thể thấy là chúng tôi đang phải đối mặt với một thời điểm có tính bước ngoặt vào năm tới”.

Trong bối cảnh thế giới vừa trải qua một năm đầy biến động do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước thành viên NATO đã phải “hao tiền tốn của” cho hoạt động phòng chống dịch, ở lại Afghanistan cũng đồng nghĩa với việc ngân sách cho mục tiêu này sẽ phải tăng thêm.

Liệu các nước thành viên NATO có chấp nhận đầu tư ở nước ngoài khi vấn đề dập dịch – một trong những nhiệm vụ khó khăn trong nước vẫn chưa được giải quyết? Vậy còn rời đi thì sao? Nếu chọn phương án này, NATO phải chấp nhận nguy cơ để vuột khỏi tay những thành quả có được trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế, thậm chí có thể khiến Afghanistan trở thành nơi để các tay súng khủng bố tái khởi động. Điều này cũng có nghĩa là những công sức của NATO tại Afghanistan trong nhiều năm qua sẽ “đổ sông đổ bể”.

Không có gì ngạc nhiên khi ngày đầu tiên của hội nghị khép lại mà không đem lại câu trả lời cụ thể. Tổng thư ký NATO nhấn mạnh, quyết định cuối cùng về tương lai sứ mệnh hỗ trợ Afghanistan của NATO sẽ được đưa ra tại hội nghị các bộ trưởng quốc phòng khối này dự kiến tổ chức vào tháng 2/2021. Đây cũng là thời điểm Tổng thống mới của Mỹ đã chính thức nhậm chức. Với sự thay đổi quyền lực chính trị ở Mỹ, chiến lược của Mỹ ít nhiều sẽ có sự thay đổi. Đến lúc đó, NATO đưa ra quyết định về tương lai của Afghanistan cũng chưa muộn.

Ngoài vấn đề Afghanistan, tại hội nghị kéo dài 2 ngày (1 và 2/12), các Ngoại trưởng NATO cũng tập trung thảo luận về tương lại và hoạt động của NATO từ nay đến năm 2030, mối quan hệ với Nga, tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực, chiến sự tại Nagorno-Karabakh, căng thẳng Hy Lạp – Thổ Nhĩ Kỳ./.