Tại vòng đàm phán lần này, các bên đã đạt được thỏa thuận sẽ thành lập 1 nhóm làm việc thường xuyên như một phần của tiến trình đối thoại hiện nay. Đây được xem là 1 thành công của vòng đàm phán trong bối cảnh 2 bên vẫn cho thấy những khác biệt “quá lớn”. Hiện vòng đàm phán vẫn đang tiếp tục.

venezuela_xwao.jpg
Hòa đàm Venezuela nhằm giải quyết khủng hoảng. Ảnh: Reuters

Sau lần đàm phán đầu tiên tại thành phố Oslo, Na Uy hồi tháng 5, không đạt được kết quả “khả quan”, các bên đối địch Venezuela đã nối lại đàm phán từ hôm 8/7 vừa qua, tại Barbados.

Dù trước vòng đàm phán này, cả 2 bên đều tỏ rõ sự thiện chí, song tối ngày 10/7 (theo giờ địa phương), Bộ trưởng Thông tin Venezuela, Jorge Rodriguez, người dẫn đầu phái đoàn đàm phán của Chính phủ, đã bất ngờ thông báo trên Twitter rằng, vòng đàm phán tại Barbados đã kết thúc. Tuy nhiên, ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Na Uy và phái đoàn chính phủ Venezuela đã đính chính về thông tin này, khẳng định vòng đàm phán vẫn tiếp tục và các bên đã nhất trí về việc thành lập 1 nhóm làm việc thường xuyên, nhằm đẩy mạnh hơn nữa tiến trình đối thoại hiện nay. Thống đốc bang Miranda Hector Rodriguez – 1 đại diện đàm phán của chính phủ Venezuelacho biết:

“Theo chỉ thị của Tổng thống, những gì chúng tôi đạt được tại vòng đàm phán này đều phải tuân thủ ý chí tuyệt đối của Cách mạng Bolivar, xây dựng 1 thỏa thuận để giải quyết bất đồng một cách hòa bình và dân chủ. Chúng tôi đã quyết định thiết lập 1 “bàn đàm phán” lâu dài. Đây cũng là quyết định của phe đối lập. Chúng tôi sẽ làm việc với nhau vì hòa bình cho đất nước.”

Để đạt được 1 thỏa thuận về nhóm đàm phán thường xuyên, Tổng thống hợp hiến Venezuela Nicolas Maduro thừa nhận, những ngày đàm phán vừa qua tại Na Uy diễn ra hết sức “căng thẳng”:

“Tại Barbados, đó là một quãng thời gian làm việc căng thẳng, với 6 điểm chúng tôi đã được thỏa thuận với chính phủ Na Uy và phe đối lập. Đó quả là 3 ngày làm việc căng thẳng.”

Hiện chính phủ Na Uy cũng đánh giá rất cao nỗ lực và thiện chí hợp tác của cả hai bên trong cuộc đối thoại lần này, đồng thời đề nghị các bên cần phải hết sức thận trọng trong các bình luận và tuyên bố về quá trình đàm phán hiện nay.

Cũng đề cập đến tình hình Venezuela, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua (10/7) khẳng định, bất cứ hành động can thiệp nào từ bên ngoài vào công việc nội bộ của Venezuela đều không thể chấp nhận được, đồng thời bày tỏ hi vọng rằng:

“Chúng tôi hy vọng rằng các cuộc đàm phán giữa chính phủ Venezuela và phe đối lập, dưới sự trung gian từ đầu của Na Uy, sẽ giúp tìm ra các giải pháp phù hợp cho mọi người dân Venezuela và bình thường hóa được tình hình hiện nay ở quốc gia này.”

Tuy nhiên, quan điểm quá khác biệt về tương lai Tổng thống hợp hiến Venezuela Maduro giữa chính phủ và phe đối lập đến nay vẫn là 1 nút thắt “chưa có cách gỡ”. Hiện Mỹ và Phe đối lập vẫn khăng khăng lập trường ông Maduro phải ra đi và 1 cuộc bầu cử sớm cần phải sớm tiến hành. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Lập hiến Venezuela, ông Diosdado Cabello hôm qua một lần nữa khẳng định, “đây là điều không thể”. Theo ông Cabello, việc phế truất Tổng thống Maduro là yêu sách chủ chốt của phe đối lập trong đàm phán, song sẽ không có các cuộc bầu cử sớm nào nhằm thay thế chức vụ này. Ông Cabello khẳng định, Venezuela hiện chỉ có 1 Tổng thổng hợp hiến duy nhất – đó là ông Nicolas Maduro./.