Iraq yêu cầu một lời giải thích từ Mỹ
Theo PressTV, người phát ngôn Bộ chỉ huy các hoạt động quân sự chung của Iraq, Thiếu tướng Tahsin Al-Khafaji đã đặt câu hỏi về nguyên nhân khiến hệ thống phòng không C-RAM không hoạt động khi máy bay không người lái(UAV) chứa thuốc nổ lao vào dinh thự của Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi.
“Chúng tôi hiện đang thảo luận vấn đề với phía Mỹ và các quan chức tại Đại sứ quán Mỹ. Đây là điều mà các chuyên gia nên giải thích và làm sáng tỏ”, ông Tahsin Al-Khafaji nói.
Còn Mohammad al-Hamad – người dẫn chương trình của kênh truyền hình tiếng Arab Afaq của Iraq cho biết: “Đại sứ quán Mỹ luôn kích hoạt hệ thống phòng thủ C-Ram và bật còi báo động bất cứ khi nào có cuộc tấn công ở Vùng Xanh. Lần này còi báo động cũng vang lên nhưng lại là sau khi xảy ra vụ nổ”. Đại sứ quán Mỹ hiện chưa đưa ra bất cứ bình luận gì về thông tin này.
Hãng thông tấn INA trích dẫn thông tin từ người phát ngôn Bộ Nội vụ Iraq cho biết, có 3 máy bay không người lái được sử dụng trong cuộc tấn công này. 2 chiếc đã bị lực lượng an ninh đánh chặn và bắn hạ, còn chiếc thứ 3 lao vào dinh tổng thống khiến 6 cận vệ của ông bị thương. Tuy vậy, Thủ tướng Mustafa al-Kadhimi “không hề hấn gì” và “sức khỏe của ông vẫn tốt”, Security Media Cell, một tổ chức có liên hệ với các lực lượng an ninh Iraq cho biết.
Các video an ninh cho thấy, một chiếc xe tải bên ngoài dinh thự bị lật và hư hại nặng, nhiều vết nứt xuất hiện trên trần nhà và tường của ban công, một phần mái nhà bị vỡ. Vẫn chưa có ai nhận là thủ phạm gây ra cuộc tấn công này, nhưng mọi sự nghi ngờ đều hướng về lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn.
Hoài nghi về tính hiệu quả của C-RAM
C-RAM là viết tắt của Hệ thống chống rocket, đạn pháo, đạn cối, do tập đoàn vũ khí Raytheon của Mỹ phát triển, nhằm phá hủy các quả rocket hay đạn pháo từ xa, trên không, thậm chí là UAV được điều khiển từ xa trong phạm vi hoạt động của nó. Hệ thống này gồm một pháo nòng xoay M61 Vulcan cỡ 20 mm, cùng hệ thống điều khiển hỏa lực với radar và tổ hợp kính ngắm hồng ngoại. Radar của C-RAM có thể phát hiện, đánh giá và theo dõi mục tiêu, thậm chí đánh giá thiệt hại sau một cuộc chiến.
C-RAM từng được hải quân Mỹ trang bị trên tàu chiến nhằm bảo vệ những con tàu này chống lại các tên lửa hoạt động trên biển. Sau đó nó đã được lục quân Mỹ cải biên để trang bị cho các căn cứ ở Trung Đông. Hệ thống này có thể sử dụng nhiều loại đạn và được tích hợp nhiều cảm biến khác nhau, vì thế nó phù hợp với các yêu cầu triển khai trên đất liền.
Loại đạn chủ yếu được dùng cho C-RAM là đạn MP-940 cỡ 20mm với cơ chế tự hủy ở khoảng cách nhất định để tránh gây thiệt hại cho khu dân cư lân cận. Tuy vậy, đặc tính này không có ở phiên bản MP-940 dành cho hải quân.
C-RAM không được thiết kế để bảo vệ cả một khu vực rộng lớn giống như hệ thống Vòm Sắt của Israel, nhưng nó cơ động hơn và có tầm bắn ngắn tốt hơn.
Tuy vậy, đã có rất nhiều cuộc tranh cãi về tính hiệu quả của C-RAM và tầm bắn hữu ích của nó. Các tài liệu tiêu chuẩn cho biết, C-Ram có tầm bắn 2.000m nhưng một số thông tin khác cho biết, tầm bắn hiệu quả chỉ khoảng 500m. Theo một số chuyên gia, việc Mỹ phải dùng đến C-RAM là điều bất đắc dĩ vì hiện nay Lục quân Mỹ không có hệ thống phòng thủ tầm gần nào có thể đánh chặn hiệu quả các cuộc tấn công từ đạn pháo, rocket hay máy bay không người lái mang thuốc nổ.
Tại Afghanistan và Iraq, hệ thống này được dùng chủ yếu để chống lại đạn pháo. Hệ thống C-RAM đầu tiên được triển khai ở Iraq vào năm 2006 để bảo vệ Vùng Xanh, và đã bắn hạn khoảng 70-80% số đạn pháo. Có nhiều đơn vị C-RAM tham gia bảo vệ khu vực Vùng Xanh tại Baghdad và căn cứ không quân Balad ở Iraq. Tuy vậy, không phải lúc nào hệ thống này cũng đánh chặn mục tiêu thành công. Trước đó vào ngày 8/1/2020, C-RAM đã không ngăn chặn được 3 tên lửa Katyusha tấn công Vùng Xanh. Trong vụ tấn công bằng tên lửa nhắm vào Đại sứ quán Mỹ ở khu vực này ngày 29/8, C-RAM thậm chí không có phản ứng đáp trả mối đe dọa. Giới phân tích lo ngại, các cuộc tấn công này sớm hay muộn có thể trúng mục tiêu, nếu như hệ thống phòng thủ C-RAM không kịp thời can thiệp./.