Hành lang Suwalki, được đặt tên theo thị trấn Suwalki của Ba Lan, dài chưa tới 100km chạy dọc theo biên giới Ba Lan – Lithuania, nối vùng lãnh thổ hải ngoại Kalingingrad của Nga với Belarus. Nơi đây đã trở thành mối quan ngại sâu sắc của các lãnh đạo quân sự phương Tây trong trường hợp xảy ra xung đột Nga-NATO.
Khu vực này từ lâu được xem là “gót chân Achilles” trong hệ thống phòng thủ phía Đông của NATO bởi Nga có thể chiếm giữ một cách dễ dàng bằng cách tiến hành cuộc tấn công gọng kìm xuất phát từ vùng Kaliningrad ở phía Tây Bắc và từ quốc gia đồng minh Belarus ở phía Đông Nam. Một cuộc tấn công như vậy sẽ cô lập 3 quốc gia Baltic (Litva, Latvia và Estonia) với phần còn lại của NATO và EU.
Trước đây, chỉ có một số nhân vật cứng rắn của Nga ủng hộ khả năng tiến hành cuộc tấn công như vậy, vì xét cho cùng, cuộc xung đột tại dải đất hẹp này có thể châm ngòi cho cuộc chiến tranh lớn giữa Nga và NATO.
Nhưng hiện giờ, ngày càng có nhiều lo ngại rằng, một cuộc chiến giành quyền kiểm soát Hành lang Suwalki có thể xảy ra, sau khi Litva thực hiện lệnh cấm vận chuyển hàng hóa của Nga bị EU trừng phạt đi qua lãnh thổ nước này đến Kaliningrad.
Phóng viên của tờ Politico đã mô tả về hành lang Suwalki bằng cụm từ ngắn gọn, cho đây là “Nơi nguy hiểm nhất trên Trái Đất” vì không có bất cứ hệ thống phòng thủ nào. "Đồn biên phòng đã bị đóng cửa và rất vắng vẻ, không có binh lính hay đội tuần tra biên giới nào ở đây”.
Tầm quan trọng của Hành lang Suwalki
Sau Chiến tranh thế giới thứ 2, khi các vùng biên giới của châu Âu được vẽ lại, Liên Xô đã giành quyền kiểm soát cảng Konigsberg của Đức và khu vực nội địa của cảng này, đồng thời đổi tên thành Kaliningrad. Điều đó đã mang lại cho Nga một hải cảng quanh năm không có băng giá và sự hiện diện hải quân nằm sâu trong vùng biển châu Âu. Vào thời điểm đó, Litva, giáp với Kaliningrad về phía Bắc, là một phần của Liên Xô. Ba Lan, ở phía Nam, cũng nằm trong quỹ đạo của Liên Xô.
Sau khi Liên Xô tan rã, cả 2 quốc gia này đã lần lượt gia nhập EU và NATO. Điều đó khiến Kaliningrad - phần lãnh thổ hải ngoại của Nga bị mắc kẹt giữa các quốc gia NATO. Tuy nhiên, Kaliningrad vẫn được kết nối với Belarus – một đồng minh thân thiết của Nga thông qua Hành lang Suwalki.
Alexey Muraviev - chuyên gia về các vấn đề quốc phòng chiến lược của Nga từ Đại học Curtin nhận định: “Tuyến đường này rất dễ vượt qua, Nga có các lực lượng hùng hậu đồn trú tại Kaliningrad và sự kết hợp giữa lực lượng này với quân đội Belarus có thể khiến Hành lang Suwalki nhanh chóng bị phong tỏa. Kaliningrad là nơi đóng quân của Hạm đội Baltic Nga và là địa điểm Moscow thử nghiệm tên lửa Iskander có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Nếu Nga chiếm được Hành lang Suwalki thì đây sẽ là “cú giáng mạnh” đối với NATO. Trong cuộc xung đột với Ukraine, Nga đã thành công trong việc kiểm soát một con đường bộ kết nối Bán đảo Crimea tới Donbass. Tương tự, việc nắm giữ Hành lang Suwalki cũng sẽ giúp Moscow có được tuyến đường bộ nối liền với Kaliningrad.
Chưa kể, Hành lang Suwalki còn là tuyến đường bộ và đường sắt duy nhất kết nối Litva, Latvia và Estonia đến phần còn lại của EU và các đồng minh NATO. Nếu khu vực này nằm dưới sự kiểm soát của Nga, 3 nước Baltic trên sẽ bị cô lập và rất khó bảo vệ.
Tất nhiên, một cuộc tấn công vào những nước này sẽ kích hoạt Điều 5 về phòng thủ chung trong hiệp ước của NATO. Nhưng quân số của NATO trong khu vực vẫn còn rất mỏng, với khoảng 5.000 binh sỹ luân chuyển trên cả 3 quốc gia. Trước đây, NATO đã tránh tăng cường lực lượng ở khu vực Baltic do lo ngại căng thẳng với Nga leo thang. Sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, NATO đã đề xuất triển khai thêm lực lượng nếu sự chú ý của Nga dồn về Litva, Latvia và Estonia, đồng thời tiến hành các cuộc tập trận hải quân ở Biển Baltic. Nhưng các nhà lãnh đạo vùng Baltic cho rằng điều đó vẫn chưa đủ và hối thúc phương Tây tăng cường bảo vệ họ.
Đánh giá về khả năng tấn công của Nga
Trong bối cảnh các cuộc giao tranh giữa quân đội Nga và quân đội Ukraine tại khu vực Donbass đang diễn ra ác liệt, không có dấu hiệu cho thấy Nga sẽ thực hiện những động thái nguy hiểm và đầy rủi ro tại Hành lang Suwalki.
Giáo sư John R Deni từ Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Trường quân sự của Lục quân Mỹ cho rằng: “Động thái của Nga nhằm giành quyền kiểm soát hành lang này có vẻ xa vời. Tuy nhiên, không thể loại trừ bất cứ tình huống nào khi xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra. Do đó, các quan chức Mỹ và đồng minh phải chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất ngay từ bây giờ”.
Người đứng đầu của Bộ Chỉ huy Tác chiến của quân đội Đức Bernd Schutt, tuyên bố nguy cơ leo thang quân sự với Nga ở sườn Đông Bắc của NATO là rất cao và cho rằng Hành lang Suwalki sẽ là một trong những điểm nóng mới.
“Việc thiết lập một hệ thống răn đe đáng tin cậy ở khu vực này là điều cực kỳ quan trọng. Sự hiện diện của các lực lượng mặt đất sẽ đóng một vai trò lớn ở đây… Nhiều khả năng, ý chí và khả năng tự vệ của NATO sẽ bị thử thách tại Hành lang Suwalki. Tại vị trí này, các quân đội có thể được di chuyển tương đối nhanh chóng và sau đó, khởi động một cuộc tấn công trên bộ. Điều quan trọng là các nước Baltic phải có binh sĩ NATO và lực lượng của họ cần được tăng cường. Nếu quyết định tấn công Hành lang Suwalki, ông Putin sẽ phải suy nghĩ rất kỹ về phản ứng của chúng tôi”, ông Bernd Schutt cho biết.
Đồng tình với quan điểm trên, Tướng Veiko-Vello Palm, Phó Tư lệnh Lực lượng Phòng vệ Estonia lưu ý, Hành lang Suwałki vẫn là một mắt xích yếu trong hệ thống phòng thủ của NATO, vì Nga có thể tìm cách chia cắt quân đội NATO bằng cách cô lập các nước Baltic với phần còn lại.
Theo giới phân tích, do ảnh hưởng của cuộc chiến với Ukraine, quân đội Nga có thể chưa đủ sức mạnh để tiến hành một cuộc tấn công lớn nhằm chia tách 3 nước ba nước Baltic là Estonia, Latvia và Litva khỏi phần còn lại của NATO và EU. Nhưng điều đó không có nghĩa là Hành lang Suwalki không dễ bị tổn thương.
Madis Roll – quan chức phụ trách quốc phòng của NATO cho biết: " Hành lang Suwalki là điểm yếu nhất của NATO. Vị trí địa lý sẽ không thay đổi và nó vẫn là địa điểm dễ làm bàn đạp nhất để tấn công NATO và các nước Baltic. Đây là lý do Mỹ quyết định bổ sung thêm một lữ đoàn ở Ba Lan”.
Để tấn công hành lang này, Nga cần phải tăng cường dự trữ các loại vũ khí chính xác như tên lửa hành trình và thời gian tích lũy có thể kéo dài từ 2-3 năm. Điều này sẽ khiến Nga cho rằng, việc phòng thủ Kaliningrad sẽ quan trọng hơn là thực hiện một hành động đầy rủi ro như tiến đánh Hành lang Suwalki./.