Năm 2013 sắp đi qua, nhưng những gì xảy ra trong những tháng cuối năm tại khu vực Đông Bắc Á báo hiệu nguy cơ một cuộc chiến tranh có thể xảy ra ở khu vực này.
Phức tạp quan hệ Mỹ-Hàn-Nhật-Trung
Năm 2014, tình hình hạt nhân Iran sẽ yên ổn và trầm lắng hơn, các nước lớn trên thế giới cũng dần “giảm hứng” đối với vấn đề vũ khí hóa học Syria, và khả năng xung đột quân sự ở Trung Đông rất thấp. Trong bối cảnh đó, khu vực nguy hiểm nhất sẽ là Đông Bắc Á.  
senkaku_copy.jpg
Hòn đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư là tâm điểm của nhiều bất đồng trong quan hệ giữa nhiều nước trong khu vực Đông Bắc Á (Ảnh AP)
Ngày 23/11/2013, Trung Quốc tuyên bố thiết lập Khu nhận diện phòng không (ADIZ), tiếp tục cử tàu hải giám tới khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Nhật Bản. Theo thống kê của phía Nhật Bản, tính tới cuối tháng 12/2013, tàu Trung Quốc đã 53 lần xâm nhập quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nhật-Trung “lời qua tiếng lại” gây sóng toàn khu vực.
Nhật “nóng mặt” liền thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia, thông qua chiến lược An ninh quốc gia nhằm tăng cường sức mạnh anh ninh, quốc phòng.
Hàn Quốc một mặt tăng cường hoạt động ngoại giao với Trung Quốc, tuyên bố mở rộng Khu vực nhận diện phòng không (KDIZ), tiếp tục phản ứng mạnh mẽ đối với Nhật Bản xung quanh quần đảo tranh chấp Takeshima/Dokdo.
Mỹ vốn lớn tiếng với vai trò “trung gian hòa giải thế giới” hy vọng dàn xếp ổn thỏa bất ổn khu vực này. Qua đó, Mỹ vừa làm dịu lòng đồng minh thân cận Nhật Bản, vừa duy trì lợi ích từ thị trường to lớn Trung Quốc.
Tuy nghe có vẻ đơn giản, nhưng quan hệ Hàn-Mỹ-Trung-Nhật liệu có phức tạp?
Nhật Bản đang căng thẳng với Trung Quốc xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư thừa dịp này cũng muốn làm “căng” với Trung Quốc. Nhật bên cạnh tăng cường thảo luận với Mỹ về các vấn đề an ninh đã thiết lập Diễn đàn An ninh Quốc gia, xúc tiến thực hiện các chính sách an ninh nhằm tăng cường sức mạnh của lực lượng phòng vệ. Điều đó chứng tỏ chính quyền Abe cũng không thể “thờ ơ” với những mối “nguy hiểm đang ăn trực nằm chờ”.
Và Hàn Quốc cũng không thể không đưa ra những giải pháp nhằm thực hiện mạnh mẽ chính sách an ninh ngoại giao. Hàn Quốc đã chủ động đưa ra những sáng kiến mang tính ngoại giao như yêu cầu tổ chức sớm hội đàm cấp cao Hàn-Nhật-Trung, phát huy sáng kiến mang tính ngoại giao…
Và nếu như Hội đàm cấp cao Hàn-Nhật-Trung không được diễn ra như mong muốn của Hàn Quốc thì coi như nỗ lực ngoại giao của Hàn Quốc “dục bất đạt”.
Trong một phát biểu gần đây, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye tuyên bố rằng Hội đàm cấp cao Hàn-Nhật dù không đạt được kết quả nào thì quan hệ hai nước cũng đang “trục trặc” bởi những vấn đề khó giải quyết.  
Trong khi đó, Mỹ có vẻ như đã thất bại khi thuyết phục Trung Quốc nên “giải quyết hòa bình” với Nhật Bản trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ. 
2014: Bùng phát chiến tranh Trung-Nhật?
Hiện nay, thế giới đang lo ngại về căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc xung quanh quần đảo đang tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, và dấu hiệu cho thấy mối quan hệ này càng ngày càng căng thẳng có thế sẽ bùng phát trong năm 2014.
Điều thấy rõ nhất là sự chuẩn bị của Nhật Bản. Theo kế hoạch của Nhật Bản, mùa Xuân 2014, Thủ tướng Nhật Bản Shizo Abe sẽ đề xuất một bản báo cáo liên quan tới việc cho phép chính phủ thực hiện một cách toàn diện quyền tự vệ tập trung. Bên cạnh đó Nhật và Mỹ sẽ tiến tới bổ sung phương châm hợp tác an ninh Nhật-Mỹ nhằm đối phó với những tình huống bất ngờ xảy ra trong khu vực.
Đội tàu Nhật Bản (Ảnh: Yomiuri Shimbun)
Một vấn đề tồn tại trong năm 2014 mà các nước Đông Bắc Á tiếp tục phải giải quyết đó là vấn đề sách giáo khoa, nô lệ tình dục, thảm sát Nam Kinh. Ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã  nhiều lần mở các cuộc gặp cấp chính phủ, nhưng những vấn đề trên vẫn dậm chân tại chỗ, không tìm thấy tiếng nói chung.
Trung tâm Nghiên cứu xã hội-môi trường và kinh tế Đức trong một báo cáo tháng 12/2013 cho rằng Nhật Bản đang cố gắng thoát khỏi suy thoái, và ảnh hưởng của Mỹ đối với Nhật Bản cũng đang giảm dần, trong khi nền kinh tế Trung Quốc đang trỗi dậy có có khả năng vượt cả nền kinh tế Mỹ. Trong bối cảnh đó, việc “gây áp lực” với Trung Quốc trở thành bài toán khó đối với Mỹ và Nhật. Tình hình này giống như tình hình thời kỳ trước chiến tranh Thế giới lần I vào năm 1914.
Báo chí Nga dự đoán rằng xung đột Trung-Nhật có thể sẽ bùng phát vào tháng 1/2014. Các chuyên gia chính trị Nga tỏ ra lo ngại về khoảng cách của tiềm lực kinh tế giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Nếu chiến tranh xảy ra sẽ là có lợi cho Trung Quốc và thiệt hại đối với Nhật. 
Báo Kyodo, Nhật Bản trong một bài viết ra ngày 22/12 nhận định: “Nhật Bản đang xúc tiến hiệp nghị với Trung Quốc nhằm tạo ra một khung pháp lý quản lý nguy cơ không phận. Nhưng nếu Trung Quốc không chấp nhận, thì tình hình sẽ trở nên khó khăn”.    
 
Truyền thông Pháp lại nhận định: “Trong mâu thuẫn giữa Nhật Bản và Trung Quốc, Nhật Bản lợi dụng sự ủng hộ của Mỹ gây áp lực với Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc không thể không chấp nhận sự hiện diện của Mỹ tại khu vực châu Á. Bên cạnh đó Tổng thống Barack Obama đang tích cực mở rộng chiến lược tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, nên Trung Quốc cũng “dè chừng” mỗi khi hành động.
Rõ ràng, mỗi nước tuy đều mạnh mẽ tuyên bố, nhưng khi hành động đều rất cẩn trọng, vì mỗi hành động đó đều ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của chính quốc gia đó. Vai trò của Mỹ trên thế giới vẫn hiện diện. Mỹ sẽ “mất mặt” khi không ủng hộ đồng minh thân cận là Nhật Bản, nhưng cũng không thể đánh mất thị trường đầy tiềm năng Trung Quốc.
Tuy nhiên, có một sự thật hiển nhiên rằng, chiến tranh không mang lại lợi ích cho ai cả./.