Tình thế “đi trên dây” của Nga
Giao tranh giữa Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) với lực lượng Hamas và Phong trào Hồi giáo Jihad vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đầu tuần trước, IDF cho biết lực lượng này đã tấn công 600 mục tiêu ở Dải Gaza, trong đó có các cơ sở sản xuất tên lửa và một số chỉ huy của Hamas. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng khẳng định sẽ khiến Hamas phải "trả giá rất đắt".
Sau hơn 1 tuần giao tranh dữ dội, xung đột ở Dải Gaza đã khiến hơn 200 người thiệt mạng và 1.400 người khác bị thương, đồng thời trở thành cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất giữa Israel và Palestine trong nhiều năm. 61 trẻ em và 36 phụ nữ đã thiệt mạng, cơ quan y tế ở Gaza cho hay ngày 17/5.
Trong khi đó, các vụ phóng rocket từ Dải Gaza cũng khiến 10 người Israel thiệt mạng, trong đó có 2 trẻ em kể từ khi xung đột bùng phát.
Tình trạng căng thẳng ở Dải Gaza đã gây ra mối lo ngại trên thế giới nhưng cộng đồng quốc tế hầu như có rất ít những giải pháp cụ thể. Chính quyền Tổng thống Biden, với cam kết an ninh 1 thập kỷ với Israel, đang đối mặt với sức ép ngày càng gia tăng từ cánh ủng hộ Palestine trong đảng Dân chủ. Mỹ nỗ lực để thiết lập một vị thế vững chắc bên cạnh việc kêu gọi chấm dứt cuộc giao tranh. Trong khi đó, Nga cũng đối mặt với những lựa chọn khó khăn của riêng mình.
Trong những nỗ lực nhằm định vị bản thân như một nhà lãnh đạo của thế giới Hồi giáo, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho rằng cộng đồng quốc tế "phải dạy cho Israel một bài học mạnh mẽ". Theo một thông cáo báo chí do Ankara công bố, Tổng thống Erdogan đã đưa ra ý tưởng về "lực lượng bảo vệ quốc tế nhằm bảo vệ người Palestine" trong một cuộc điện đàm gần đây với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Điện Kremlin đang trong tình thế đi trên dây. Chính quyền Tổng thống Putin, với mối quan hệ đối tác khu vực với Israel sau khi Nga can thiệp vào cuộc chiến ở Syria, đã ngần ngại ủng hộ bất kỳ sáng kiến hòa bình nào được cho là gây thù địch trực tiếp với Israel. Cùng lúc đó, Nga, trái với Mỹ và Liên minh châu Âu, không công nhận Hamas là một tổ chức khủng bố và trước đó đã tiếp phái đoàn ngoại giao từ lực lượng này để thảo luận về những nỗ lực hòa bình. Với tầm ảnh hưởng trong khu vực và sự tín nhiệm của cả 2 bên, Nga có một vị thế đặc biệt để tác động tới tiến trình hòa giải giữa Israel và Palestine.
Dmitry Maryasis, một thành viên thuộc tổ chức nghiên cứu Valdai Discussion Club của Nga nhận định: "Nga có mối quan hệ thân thiện với cả 2 bên của cuộc xung đột. Nếu Nga gây ảnh hưởng đến các cuộc tiếp xúc này một cách hợp lý, Moscow có thể thúc đẩy vị thế của mình".
Đại sứ Iran tại Nga Kazem Jalali cũng nhận định trong một cuộc họp trực tuyến hôm 17/5 rằng Nga có thể đóng vai trò đáng kể trong việc dàn xếp cuộc xung đột giữa Israel và Palestine nhờ những liên lạc thân thiết giữa Moscow với 2 nước trên.
"Chúng tôi tin rằng Nga có thể đóng vai trò vô cùng quan trọng trong giai đoạn lịch sử này bởi Moscow duy trì liên lạc với các lực lượng ở Palestine và có mối quan hệ tốt với Israel", Đại sứ Iran cho hay.
Nỗ lực hóa giải xung đột
Tuy nhiên, điện Kremlin không muốn và cũng không có các phương tiện để thực hiện sáng kiến thúc đẩy hay thiết lập các điều kiện hòa bình ở Dải Gaza. Thay vào đó, Moscow sẽ tìm cách gia tăng ảnh hưởng của mình theo nội dung của một thỏa thuận hòa bình rộng khắp hơn do một nhóm các nước lớn và các tổ chức quốc tế làm trung gian. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuần trước đã kêu gọi một cuộc họp khẩn của Bộ Tứ Trung Đông, gồm Liên Hợp Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu và Nga để giải quyết cuộc khủng hoảng Gaza.
"Ngày nay, chúng tôi đều có chung quan điểm rằng nhiệm vụ cấp bách nhất là triệu tập các nhà trung gian hòa giải quốc tế của nhóm Bộ Tứ", Ngoại trưởng Nga cho hay trong cuộc họp chung với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, đồng thời khẳng định: "Chúng tôi tin tưởng Tổng thư ký sẽ là một nhà điều phối của bộ tứ này".
Tại cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc của Nga ngày 14/5, Tổng thống Putin đã đưa ra đánh giá về vai trò của Nga trong cuộc xung đột đang diễn ra rằng: "Tôi muốn nghe ý kiến từ các nhà lãnh đạo khác về tình hình hiện nay tại Trung Đông. Ý tôi là, cuộc xung đột leo thang Palestine – Israel với những điều đang diễn ra trong khu vực xung quanh biên giới của chúng tôi, đã ảnh hưởng trực tiếp đến các lợi ích an ninh của chúng tôi".
Nhằm duy trì sự tập trung vào cách giải quyết đa phương ở Trung Đông, Ngoại trưởng Nga đã đè xuất mở rộng nhóm Bộ Tứ thành một hình thức "4+4+2+1" mới mà theo đó, ngoài 4 thành viên ban đầu còn có 4 nước Ai Cập, Jordan, UAE, Bahrain, thêm 2 nước Israel Palestine và cùng với Saudi Arabia. Theo Nga giải thích, việc bổ sung thêm các quốc gia trên dựa theo kế hoạch hòa bình Sáng kiến Hòa bình Arab 2002 (API) của Saudi Arabia.
Thổ Nhĩ Kỳ đã không có tên trong đề xuất mới của Nga, có lẽ phản ánh thực tế rằng không giống như Ankara, Moscow không muốn thực hiện một nền hòa bình áp đặt lên Israel. Trước đó, Tổng thống Erdogan nhận định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ủng hộ Palestine mạnh mẽ giống như với "cuộc chiến của Azerbaijan", đồng thời khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không chấp nhận "sự gây hấn của Israel", mặc cho "cả thế giới nhắm mắt làm ngơ".
Moscow hiện vẫn tiếp tục tham vấn với các đặc phái viên của Palestine. Đại sứ Palestine tại Moscow, Abdel Hafiz Nofal đã thể hiện sự tin tưởng rằng Nga có thể truyền tải các lợi ích của Palestine tới Israel một cách hợp lý.
"Những người bạn Nga của chúng tôi biết vị trí của mình. Nga bảo vệ lợi ích cho chúng ta. Đại sứ Jordan nói rằng Nga có mối quan hệ mạnh mẽ với Israel và có thể gây ảnh hưởng với Israel", ông Abdel Hafiz Nofal đánh giá.
Dù đúng hay không, đánh giá của ông Nofal có thể được hiểu như một dấu hiệu khả quan cho những nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng hiện nay khi mà phía Palestine "có lẽ sẽ ngồi vào bàn đàm phán và chấp nhận kết quả nếu họ tin rằng các lợi ích của mình được bảo vệ"./.