Bắc Cực những năm gần đây đã trở thành khu vực cạnh tranh địa chính trị giữa các nước thuộc Hội đồng Bắc Cực (gồm Mỹ, Nga, Canada, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan và Iceland).
Hiện tượng ấm lên toàn cầu đã khiến khu vực này trở nên dễ tiếp cận hơn, ít bị nguy hiểm hơn, trong khi mối quan tâm tới các nguồn tài nguyên thiên nhiên, các tuyến đường hàng hải và vị trí chiến lược ở Bắc Cực ngày càng gia tăng.
Các nhà ngoại giao Nga và Mỹ sẽ gặp nhau tại Hội đồng Bắc Cực trong tuần này giữa lúc Mỹ đang báo động về sự gia tăng hoạt động quân sự của Nga tại Bắc Cực trong khi Trung Quốc theo đuổi các tuyến vận tải biển ở khu vực có tầm quan trọng chiến lược này.
“Chúng tôi đã thấy Nga gia tăng những tuyên bố hàng hải phi pháp, đặc biệt là các quy định của nước này đối với tàu nước ngoài đi qua Tuyến đường biển phía Bắc”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói với các phóng viên ngày 18/5 tại thủ đô Reykjavik của Iceland.
“Chúng tôi có những mối quan ngại về hoạt động quân sự ngày càng gia tăng ở Bắc Cực, những hoạt động làm gia tăng mối nguy hiểm, khả năng xảy ra các tai nạn, tính toán sai lầm; đồng thời nhấn mạnh mục tiêu chung về tương lai hòa bình và bền vững đối với khu vực này”, ông Blinken nhấn mạnh.
Cuộc cạnh tranh của các quốc gia Bắc Cực
Cuộc họp ngoại trưởng kéo dài 2 ngày khai mạc ngày 19/5 (theo giờ địa phương) có sự tham gia của đại diện 8 nước có lãnh thổ ven Vòng Bắc Cực, trong đó có Mỹ và Nga, nhưng không có Trung Quốc – nước tự tuyên bố mình là quốc gia gần Bắc Cực.
Ngoại trưởng Mỹ Blinken và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov dự kiến sẽ có cuộc gặp song phương vào ngày 20/5 bên lề cuộc họp của Hội đồng Bắc Cực. Các nhà quan sát đang theo dõi liệu 2 bên có xoa dịu căng thẳng quân sự và mở đường cho sự hợp tác cấp chuyên viên hay không.
Lời cảnh báo trên của ông Blinken được đưa ra chưa đầy 1 tuần sau khi Đô đốc Nga Alexander Moiseyev, người vừa được bổ nhiệm Tư lệnh Hạm đội Phương Bắc của Nga hồi tháng 1 vừa qua, nói về sự hiện diện quân sự ngày càng gia tăng của Mỹ và NATO gần biên giới Nga ở Bắc Cực.
Nga viện dẫn hành động của NATO là lý do Moscow tổ chức các cuộc diễn tập hải quân quy mô lớn với sự tham gia của tàu ngầm và tàu chiến ở Bắc Cực từ giữa tháng 4 vừa qua.
Nga tuyên bố 3 trong số các tàu ngầm hạt nhân của nước này lần lượt nổi lên từ dưới lớp băng ở Bắc Cực, trong khi 2 chiếc MiG-31 đã tiến hành diễn tập tiếp nhiên liệu trên không. Đầu tháng 4, một phi đội máy bay ném bom cũng đã tập trận trên bầu trời Bắc Cực. Mục đích của các cuộc tập trận này là để bảo vệ các lợi ích kinh tế của Moscow trong khu vực.
Theo hãng thông tấn TASS, Nga có 3 triệu km2 lãnh thổ đất liền và trên biển phía trên Vòng Bắc Cực, chiếm 18% toàn bộ lãnh thổ nước này.
Nga cũng đang theo đuổi dự án phát triển khí đốt hóa lỏng về phía Bắc, dọc biển Kara, và một trong những dự án tài nguyên lớn nhất của Nga: Vostok Oil cũng ở gần đó.
Đầu tháng 4, CNN từng đưa tin Nga đang tập hợp lực lượng quân sự chưa từng thấy ở Bắc Cực, trong đó đặc biệt đáng chú ý là ngư lôi hạt nhân Poseidon mới có khả năng đe dọa các thành phố duyên hải của Mỹ.
Trong một bản thiết kế chiến lược công bố hồi tháng 1/2021, Hải quân Mỹ cảnh báo, “nếu không có sự hiện diện hải quân của Mỹ cũng như các đối tác ở khu vực Bắc Cực, hòa bình và thịnh vượng sẽ ngày càng bị thách thức bởi Nga và Trung Quốc”.
Trung Quốc cũng muốn có phần ở Bắc Cực
Trung Quốc dù không tham gia vào các hoạt động quân sự ở Bắc Cực, nhưng nước này lại xác định rõ những lợi ích kinh tế tại đây. Bắc Kinh đề xuất bắt tay với Moscow về “Con đường Tơ lụa trên băng” kết nối với Sáng kiến cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường trải rộng từ châu Á sang châu Âu.
Các tuyến vận tải biển qua Bắc Cực cũng có thể làm giảm thời gian vận tải khoảng 30% so với các lộ trình hiện nay từ Ấn Độ Dương qua Kênh đào Suez.
Năm 2022, Trung Quốc dự kiến sẽ phóng vệ tinh đầu tiên giám sát các lộ trình vận tải biển Bắc Cực. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng sẽ thực hiện các dự án đóng tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Trung Quốc cũng đã đặt ra tầm nhìn về một Bắc Cực giàu nguồn tài nguyên. Trung Quốc đang tìm cách có được quyền khai thác đất hiếm ở Vùng lãnh thổ Greenland của Đan Mạch, nơi đứng thứ 7 thế giới về trữ lượng khoáng sản có giá trị chiến lược này.
“Không có sự cấm đoán nào đối với Trung Quốc hay bất cứ nước nào khác. Nhưng hãy chơi theo luật và đảm bảo rằng các ngành hoặc công nghệ nhạy cảm nhất được bảo vệ”, Ngoại trưởng Mỹ Blinken nói khi trả lời phỏng vấn của truyền thông Đan Mạch về các khoản đầu tư của Trung Quốc ở Greenland.
Xung đột lợi ích quốc gia đã làm cản trở việc xây dựng các quy tắc quốc tế nhằm kiểm soát cuộc tranh giành “miếng bánh” Bắc Cực vào tầm kiểm soát.
Ở Nam Cực, một số nước, trong đó có Mỹ, Liên Xô trước đây, Nhật Bản và Anh đã từng tìm cách ngăn chặn “bất đồng quốc tế” bằng một hiệp ước năm 1959 theo đó cam kết sử dụng vùng cực vì mục đích hòa bình và “đóng băng” các tuyên bố lãnh thổ.
Tuy nhiên, khác với Nam Cực, tình hình ở Bắc Cực ngày càng phức tạp hơn, các vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của nhiều nước đang mở rộng hơn vào Vòng Bắc Cực. Hội đồng Bắc Cực là nơi để các nước thảo luận khả năng hợp tác trong nhiều lĩnh vực, trong đó có cả bảo vệ môi trường, nhưng cuộc chiến về lợi ích quốc gia và tranh giành ảnh hưởng vẫn luôn diễn ra ở hậu trường và các quy tắc tương tự như ở Nam Cực có lẽ sẽ khó đạt được ở vùng cực phía Bắc./.