Đáp trả “quá tay”

Vòng đáp trả lẫn nhau đáng chú ý nhất giữa hai bên diễn ra hồi tháng 3 khi Liên minh châu Âu (EU) cho biết khối này đã trừng phạt 4 quan chức Trung Quốc và 1 thực thể liên quan đến vấn đề Tân Cương. Bắc Kinh đã đáp trả lại ngay lập tức với những biện pháp vô cùng mạnh mẽ và cứng rắn.

Diễn biến này đã dẫn đến sự sụp đổ Thỏa thuận Đầu tư Toàn diện EU - Trung Quốc (CAI) - một thỏa thuận mất gần 1 thập kỷ để đạt được và được cho là một công cụ địa chính trị của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm chia rẽ quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương Mỹ - EU.

Ngày 2/7, phái đoàn Trung Quốc tại Brussels một lần nữa cáo buộc EU can thiệp vào công việc nội bộ của nước này. Động thái trên diễn ra một ngày sau khi Cơ quan Hành động đối ngoại châu Âu (European External Action Service, viết tắt là EEAS hoặc EAS) nhắc lại "những lo ngại sâu sắc" về vấn đề Tân Cương.

Theresa Fallon, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nga, châu Âu và châu Á (CREAS) nhận định, các chính sách phòng vệ dữ dội của Trung Quốc qua chiến lược "Ngoại giao chiến lang” lạc tông đã gây phản tác dụng, dẫn đến lập trường ở Brussels về Bắc Kinh ngày càng cứng rắn.

Sau khi CAI sụp đổ với việc Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu đóng băng thỏa thuận này ngày 20/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hiện đang đối mặt với "tình thế tiến thoái lưỡng nan ở châu Âu", bà Fallon nhận định với Newsweek.

"Họ đã dành hàng triệu USD vào quyền lực mềm và không gì trong số đó đem lại hiệu quả bởi họ đang tiếp tục hủy hoại những nỗ lực của mình bằng chính sách ngoại giao chiến lang. Điều này chẳng khác nào tự chuốc lấy thất bại", chuyên gia này đánh giá.

Các biện pháp trừng phạt mà EU đưa ra ngày 22/3 không nhằm vào riêng Trung Quốc mà nằm trong một gói trừng phạt nhắm vào cả Triều Tiên, Nga và một số bên khác. Dù vậy, các biện pháp của khối này với vấn đề Tân Cương đánh dấu lệnh trừng phạt đầu tiên của EU với Trung Quốc trong gần 3 thập kỷ qua.

Trung Quốc đã đáp trả lại bằng cách nhắm vào 10 quan chức và học giả châu Âu cùng với 4 thực thể, trong đó có nghị sĩ đảng Xanh của Đức Reinhard Bütikofer, chủ tịch phái đoàn đàm phán với Trung Quốc của EU và là người đứng đầu Ủy ban An ninh và Chính trị - cơ quan hoạch địch chính sách đối ngoại chính của EU gồm các đại sứ từ các nước thành viên.

Trong một tuyên bố kèm theo, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết EU cần "sửa chữa sai lầm của mình" hoặc khối này sẽ đối mặt thêm với các lệnh trừng phạt.

Bà Fallon cho rằng phản ứng của Trung Quốc là một cuộc tấn công vào nền dân chủ châu Âu và "nếu họ nghĩ rằng điều này sẽ không dẫn đến các biện pháp đáp trả thì họ đã phạm sai lầm sâu sắc".

Thỏa thuận đầu tư giữa EU và Trung Quốc hứa hẹn sẽ giải quyết việc tiếp cận thị trường không cân xứng của châu Âu tại Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình, trong một động thái mang tính địa chính trị, đã thúc đẩy thỏa thuận trên vào tháng 12, bất chấp sự phản đối từ những quan chức trong chính quyền Tổng thổng Biden sắp kế nhiệm.

Một số bài báo đưa tin, giới lãnh đạo Trung Quốc đã can thiệp để đạt được thỏa thuận CAI ngay sau khi ông Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11.

Nhà phân tích Fallon cho biết Chủ tịch Tập Cận Bình "đã nhận thấy cơ hội chia rẽ mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương thậm chí trước cả khi Tổng thống Biden nhậm chức".

"Theo tôi, họ chỉ chờ xem liệu ai sẽ là ông chủ tiếp theo của Nhà Trắng. Nếu đó là ông Trump, họ không cần tới CAI nhưng nếu đó là ông Biden, họ phải thúc đẩy thỏa thuận này rất nhanh chóng và thực tế là họ đã làm vậy. Vì thế, Trung Quốc không có động thái nào cho tới khi kết quả bầu cử được công bố".

Bà Fallon cũng không đồng ý với các phân tích cho rằng Bắc Kinh không còn quá quan tâm đến CAI nữa. Với việc thỏa thuận này vẫn bị đóng băng và Nghị viện châu Âu tuyên bố sẽ không có tiến triển nào cho tới khi các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ, nhà quan sát Fallon tin rằng kết quả này cũng chẳng khác gì một "thảm họa" với Trung Quốc.

Sự trở lại của Mỹ

Một dấu hiệu khác cho thấy sự dịch chuyển thái độ chính trị về Trung Quốc là trong hàng loạt Hội nghị Thượng đỉnh của Tổng thống Biden với những nhà lãnh đạo quan trọng tại G7, NATO và EU vào tháng trước.

Bà Fallon, người sáng lập CREAS, đã đặc biệt lưu ý đến phản ứng nhanh chóng của Bắc Kinh sau khi các tuyên bố chung của các Hội nghị Thượng đỉnh được đưa ra. Phản ứng này dường như cho thấy sự thận trọng của Trung Quốc trước Tổng thống Biden và kế hoạch tập hợp đồng minh của nhà lãnh đạo Mỹ nhằm cân bằng ảnh hưởng với Trung Quốc ở châu Âu.

Sau 4 năm châu Âu mất niềm tin vào Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Trump, Tổng thống Biden và các nhà ngoại giao đã sẵn sàng bù đắp lại khoảng thời gian này. Hiện vẫn chưa rõ liệu các nhà lãnh đạo châu Âu đã sẵn sàng để Mỹ trở lại là người đứng đầu bàn đàm phán hay chưa, bà Fallon cho hay.

Mặc dù đạt được sự nhất trí chung tại G7 và NATO, một số nhà quan sát cho rằng Mỹ và châu Âu vẫn chưa đạt được những đề xuất thống nhất nhằm đối phó với thách thức từ Trung Quốc bởi rõ ràng, cả hai vẫn còn những bất đồng nhất định.

Ngay sau khi tuyên bố chung của NATO được đưa ra ngày 14/6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhận định rằng, Trung Quốc "hầu như không có gì để làm với Bắc Đại Tây Dương".

Trong khi đó, Hải quân Pháp tiếp tục tiến hành các chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông. Các lực lượng của Pháp tham gia cùng Quad ở Vịnh Bengal vào tháng 4 và 1 tháng sau, đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự tại Nhật Bản như một phần trong cuộc diễn tập đổ bộ còn được gọi là Jeanne D'Arc 21.

Thủ tướng Đức Angela Merkel, người cảnh báo NATO không nên "đánh giá quá cao" ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc, đã phê chuẩn lịch trình đi qua Biển Đông của một tàu chiến Đức vào tháng tới.

Trong khi Trung Quốc vẫn là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của EU thì nhà quan sát Fallon cho rằng khối này cần có những bước đi phối hợp để đảm bảo các nước thành viên và những cơ sở hạ tầng quan trọng của họ không bị ảnh hưởng quá mức bởi bên ngoài, dù là Trung Quốc hay bất kỳ bên nào khác.

Trung Quốc đang mất dần châu Âu

Theo bà Fallon, một trong những trở ngại lớn nhất của Trung Quốc tại châu Âu có lẽ là khoảng cách quá lớn về quan điểm giữa giới lãnh đạo và công chúng. Mức độ thiếu tin tưởng với Trung Quốc đã tăng cao, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19.

Ngày 30/6, Trung tâm Nghiên cứu Pew đã công bố kết quả một cuộc thăm dò dư luận cho thấy, quan điểm tiêu cực về Trung Quốc đã "tăng ở mức cao gần kỷ lục trong lịch sử" trong khía cạnh kinh tế, trong đó có châu Âu, với 66% những người được hỏi có quan điểm tiêu cực về nước này trong khi tỷ lệ ủng hộ là 28%.

Tại Anh, nơi là nghiên cứu của Pew cho thấy 63% những người được hỏi có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc, quốc gia này đang "nghiêng về" Ấn Độ - Thái Bình Dương sau khi rút khỏi EU.

Không lâu sau khi Bắc Kinh đáp trả các lệnh trừng phạt của EU, nước này cũng trừng phạt 9 cá nhân và 4 thực thể của Anh ngày 26/3. Giống như các biện pháp trừng phạt châu Âu, lệnh trừng phạt này đã ảnh hưởng đến các cá nhân trong danh sách cũng như gia  đình của họ, những người bị cấm đi lại tới Trung Quốc, Hong Kong, Macao và bị cấm trao đổi với các công dân, tổ chức và doanh nghiệp Trung Quốc.

Các nghị sĩ đảng Bảo thủ Tom Tugendhat và Neil O'Brien, người thành lập Tổ chức Nghiên cứu về Trung Quốc hồi tháng 4/2020 là những cái tên đầu tiên trong danh sách trừng phạt của Bắc Kinh. Ông Tugendhat từng nói rằng, ông muốn Anh và Trung Quốc "có mối quan hệ mang tính xây dựng và cân bằng".

"Tôi hy vọng Anh và Trung Quốc có thể tìm ra biện pháp hiệu quả hơn để đối thoại với nhau nhằm giải quyết những thách thức mà chúng ta phải đối mặt từ các đại dịch cho tới biến đổi khí hậu", nghị sĩ này nhận định, đồng thời cho rằng: "Tuy nhiên, điều đó yêu cầu Trung Quốc phải chấm dứt lập trường đe dọa".

"Chiến lang thuộc về rừng hoang chứ không phải các đại sứ quán", ông Tugendhat cho hay, đồng thời thể hiện sự ủng hộ với "hướng tiếp cận đa quốc gia" của Tổng thống Biden nhằm xây dựng một kế hoạch cơ sở hạ tầng thay thế, đối trọng với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc trên thế giới.

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Hải quân Hoàng gia Anh hiện đang thực hiện chuyến hải trình đầu tiên và sẽ đi qua Biển Đông, cũng như ghé thăm một cảng biển ở Nhật Bản.

Trung Quốc sẽ theo dõi việc triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay này ở châu Á nhưng ông Tugendhat nói rằng "không nên có bất kỳ hành động hung hăng nào lặp lại" như tàu khu trục Anh HMS Defender phải đối mặt khi đi qua Biển Đen.

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab thể hiện sự lo ngại về vấn đề Hong Kong nhưng trong chính phủ Thủ tướng Anh Boris Johnson, các thành viên nội các lại quan tâm hơn đến những cơ hội thương mại với thị trường Trung Quốc.

Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cho rằng trong khi chỉ trích vấn đề Tân Cương thì Anh nên tiếp tục thúc đẩy quan hệ kinh tế với Trung Quốc.

Các nhà quan sát cho biết chính phủ Anh đang tìm cách nối lại phần nào "kỷ nguyên vàng" trong quan hệ Anh - Trung dưới thời Thủ tướng David Cameron. Tuy nhiên, giáo sư  Steve Tsang thuộc Đại học London cho rằng kỷ nguyên vàng đó "chưa bao giờ là thật" và gọi đó chỉ là "những tuyên bố hoa mỹ" nhằm cải thiện quan hệ với Trung Quốc./.