Kết quả bất ngờ

Đây là một kết quả bất ngờ, xét về số lượng những người phản đối yêu cầu từ các chủ nợ nhưng không bất ngờ nếu xét đến nội dung trưng cầu dân ý, bởi trong câu hỏi mà chính phủ Hy Lạp đặt ra để yêu cầu dân chúng cho ý kiến, có những nội dung mà gần như chắc chắn dân chúng Hy Lạp sẽ không chấp nhận, trong đó đặc biệt là việc tăng thuế VAT lên 23% nhằm vào lĩnh vực du lịch, nền công nghiệp số 1 của Hy Lạp. 

nguoi_hy_lap_trung_cau_dan_y_tam_trang_bat_an_hinh_anh_2_motk_hcpb.jpg
Người dân Hy Lạp bỏ phiếu trong ngày trưng cầu dân ý (ảnh: Reuters)

Đa số dân chúng Hy Lạp đã bỏ phiếu “Không” vì hai lý do. Thứ nhất, họ thấy rằng những đòi hỏi từ phía các chủ nợ là không chấp nhận được và nếu phải làm theo những đòi hỏi đó, cuộc sống của họ sẽ bị vắt kiệt.

Thứ hai, họ cũng nhận định giống chính phủ Hy Lạp. Đó là bằng cách nói “Không” họ sẽ chuyển một thông điệp mạnh mẽ đến châu Âu và buộc các chủ nợ phải có những nhượng bộ.

Đây là chi tiết rất đáng chú ý bởi lẽ dù bỏ phiếu “Không” mà về lý thuyết là sẽ mở đường cho việc Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu nhưng thực chất là có đến 74% dân Hy Lạp vẫn muốn đất nước mình ở lại eurozone. Đây là một nghịch lý rất khó diễn giải vào thời điểm này.

Phản ứng của châu Âu

Hiện tại, dư luận châu Âu vẫn chưa có nhiều phản ứng trước kết quả trưng cầu dân ý tại Hy Lạp. Đáng quan tâm nhất là tại nước Đức, Thủ tướng Angela Merkel vẫn chưa phát biểu gì nhưng Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng kinh tế Sigmar Gabriel thì cho biết là “rất khó hình dung” sẽ có các cuộc thương lượng mới với chính phủ Hy Lạp.

Cho đến thời điểm này, Đức vẫn là nước có quan điểm cứng rắn nhất đối với Hy Lạp, thậm chí không ít đảng phái chính trị ở Đức còn muốn loại bỏ Hy Lạp khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Các nước khác phản ứng là rất thận trọng nhưng có nguồn tin cho rằng Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã điện đàm và thống nhất sẽ triệu tập cuộc họp Thượng đỉnh EU vào ngày 6/7 tại Brussels - Bỉ để bàn về vấn đề Hy Lạp. Nhìn chung, ở thời điểm này thì phản ứng từ dư luận và chính giới châu Âu là rất khó đoán.

Tương lai của con nợ Hy Lạp

Dù dân Hy Lạp nói “Không” với các yêu cầu cải cách từ nhóm chủ nợ nhưng trong sâu thẳm, 3/4 dân Hy Lạp vẫn muốn nước này ở lại trong khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Việc này sẽ vô cùng phức tạp, bởi rất nhiều quan chức châu Âu đã tuyên bố rằng việc người dân Hy Lạp nói “Không” sẽ đồng nghĩa với việc Hy Lạp có thể sẽ phải rời khỏi eurozone và sau đó là rời khỏi Liên minh châu Âu.

Vì lẽ đó, những ngày sắp tới sẽ vô cùng khó khăn với chính phủ và người dân Hy Lạp. Họ muốn bằng mọi giá có được một thỏa thuận có lợi nhất với nhóm chủ nợ nhưng nhiều quốc gia thành viên EU, trong đó quan trọng nhất là Đức, lại không chấp nhận bất cứ thỏa hiệp hay nhượng bộ nào với phía Hy Lạp với lí lẽ rằng Hy Lạp đã vượt qua mọi giới hạn.

Vì thế, việc đạt được thỏa thuận với nhóm chủ nợ là vô cùng khó khăn, thậm chí nguy cơ Hy Lạp đổ vỡ vẫn còn cao không kém gì so với trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý.

Hy Lạp có ở lại Eurozone?

Việc giữ Hy Lạp ở lại eurozone bằng mọi giá đang là ưu tiên của một số nước, nhất là Pháp. Chính vì lí do này mà chính phủ Hy Lạp đã đặt cược vào cuộc trưng cầu dân ý.

Nếu xét đến hậu quả, các chi phí rủi ro thì rõ ràng là việc Hy Lạp ở lại eurozone sẽ tốt hơn cho tất cả các bên. Tuy nhiên, không thể loại trừ quan điểm cứng rắn từ các nước khác trong EU, đặc biệt là từ Đức, khi cho rằng Hy Lạp không xứng đáng được hưởng tiếp các gói cứu trợ và rằng, dù Hy Lạp ra khỏi eurozone thì đó cũng không phải thảm họa cho châu Âu. 

Hiện tại chúng ta chưa thể biết được quan điểm nào sẽ thắng thế và những ngày tới sẽ là những ngày thực sự có ý nghĩa sống còn với sự toàn vẹn của Liên minh châu Âu./.