Cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp đang là tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế khi không chỉ liên quan tới một nền kinh tế, mà còn là tính thống nhất của Liên minh châu Âu sau hơn 50 năm ra đời. Khối này sẽ xử lý khủng hoảng như thế nào khi mà các cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị thời gian qua đã bộc lộ rõ sự chia rẽ sâu sắc giữa các nước thành viên, đặc biệt là cặp đôi Pháp-Đức, vốn được xem là 2 đầu tàu có tiếng nói quyết định đối với các vấn đề khu vực, khiến vai trò của Liên minh châu Âu trở nên lung lay hơn bao giờ hết. 

thu_tuong_duc_merkel_tong_thong_phap_hollande_thu_tuong_hy_lap_tsipras_ulmd.jpg
Thủ tướng Đức Angela Merkel (giữa), Tổng thống Pháp Francois Hollande (phải) và Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras (trái) đã có cuộc gặp để giải quyết khủng hoảng nợ công Hy Lạp tại thủ đô Latvia. (Ảnh: Reuters)

Kể từ khi Thủ tướng theo đường lối cánh tả Alexis Tsipras lên nắm quyền tại Hy Lạp hồi đầu năm, Pháp và Đức luôn thể hiện chung tiếng nói trong vấn đề cứu trợ quốc gia Nam Âu này. Tuy nhiên, ngày hôm qua lại lần đầu tiên chứng kiến sự khác biệt về lập trường giữa 2 nền kinh tế đầu tàu, có tiếng nói quyết định của Liên minh châu Âu.

Phát biểu khi tới thăm thành phố Lyon, Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố, không có chuyện chờ đợi cuộc trưng cầu ý dân tại Hy Lạp sắp tới để đưa ra quyết định. Ông muốn các bên có thể tìm kiếm được 1 thỏa thuận trên cơ sở các quy tắc của Liên minh châu Âu trước khi diễn ra cuộc trưng cầu ý dân, bởi sẽ là không ý nghĩa gì nếu đạt được sau cuộc tham vấn. Theo ông, nếu các bên không thể đạt được, thì cuộc trưng cầu ý dân sẽ diễn ra với những hậu quả khó lường.

“Trách nhiệm của chúng ta là phải giữ chân Hy Lạp ở lại khu vực đồng tiên chung. Điều này phụ thuộc vào Hy Lạp và đặc biệt là câu trả lời của người dân Hy Lạp nếu cuộc trưng cầu ý dân diễn ra. Song điều này cũng phụ thuộc vào tất cả chúng ta. Là một người châu Âu tôi không muốn một sự xáo trộn tại khu vực đồng tiền chung, cũng như không muốn đưa ra bất kỳ tuyên bố cứng rắn hay gây bất hòa nào. Chúng ta cần phải tìm kiếm một thỏa thuận, cần phải đàm phán, cần phải lý trí vì cả Hy Lạp lẫn châu  Âu. Dù vấn đề Hy Lạp không gây ảnh hưởng nhiều tới Pháp, song tôi vẫn hi vọng Hy Lạp ở lại khu vực đồng tiền chung”, Tổng thống Pháp Francois Hollande nói.

Tuyên bố này được xem là nhằm đáp trả phát biểu trước đó 1 ngày của Thủ tướng Đức Angela Merkel bác bỏ mọi ý định khôi phục đàm phán trước khi diễn ra cuộc trưng cầu ý dân. Theo bà, những cuộc thảo luận mới là có thể song chỉ khi cuộc trưng cầu ý dân bị hủy bỏ hoặc xu hướng nói “có” với những đề xuất cải cách giành chiến thắng.

"Tổ chức trưng cầu ý dân là quyền chính đáng và hợp pháp của Hy Lạp. Song tôi cũng muốn nói rõ rằng, 18 quốc gia thành viên khác của khu vực đồng euro cũng có quyền chính đáng và hợp pháp đưa ra câu trả lời phù hợp với quyết định của Hy Lạp. Vì thế, chúng tôi đang chờ đợi cuộc trưng cầu dân ý tại Hy Lạp. Trước khi cuộc trưng cầu diễn ra sẽ không có bất kỳ cuộc đàm phán nào về chương trình hỗ trợ dành cho Hy Lạp”, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết.

Sự thay đổi trong giọng điệu của Pháp đã khiến Đức ngạc nhiên. Bởi kể từ khi Thủ tướng theo đường lối cánh tả Alexis Tsipras lên nắm quyền tại Hy Lạp, Pháp chưa bao giờ sử dụng sức nặng chính trị của mình để tạo sự cân bằng về chính trị trước nước Đức, mà thậm chí còn có phần nhún nhường hơn.

Theo các nhà phân tích, lời kêu gọi không đúng lúc này của nước Pháp là thông điệp gửi tới cả nước và Hy Lạp. Bởi chỉ ít phút sau đó, Thủ tướng Hy lạp Alexis Tsipras tuyên bố việc tiến hành trưng cầu ý dân vẫn diễn ra theo kế hoạch  đối với các biện pháp thắt lưng buộc bụng mà Quỹ tiền tệ quốc tế, Ủy ban châu Âu và Ngân hàng trung ương châu Âu yêu cầu.

Trong một phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras một lần nữa khẳng định, câu trả lời “không” sẽ giúp nước này đạt được một thỏa thuận tốt hơn với các chủ nợ. Điều đáng nói là sự bất đồng giữa cặp đôi Pháp-Đức lại được bộc lộ giữa thời điểm khá nhạy cảm. Vốn luôn hoài nghi về những hậu quả khôn lường có thể xảy ra nếu Hy lạp rời khu vực đồng euro, Pháp muốn tin rằng, vẫn có khả năng đảm bảo sự toàn vẹn của khu vực này.

Chính vì thế những nỗ lực của Tổng thống Hollande trực tiếp thuyết phục ông Alexis Tsipras từ bỏ cuộc trưng cầu ý dân hoặc ít nhất là từ bỏ chiến dịch kêu gọi người dân nói “không” với những đề xuất của châu Âu. Còn đối với Thủ tướng Đức Merkel, một sự ra đi của Hy Lạp sẽ không gây ảnh hưởng nhiều tới Đức như là với một khu vực đồng euro đã quá chia rẽ và hơn hết, khu vực đồng euro khá vững vàng để vượt qua nguy cơ Hy Lạp rời đi mà không bị tổn hại quá nhiều.

Có thể nói cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp đang thử thách cặp đôi Pháp và Đức. Với nền kinh tế chiếm vị trí nhất nhì của khối đồng tiền chung euro, Đức và Pháp luôn tìm cách thể hiện vai trò anh cả của mình, khi cố gắng hợp tác với nhau để giải quyết khủng hoảng.

Song thực tế là dường như việc dung hòa sự khác biệt về lập trường giữa Pháp và Đức, một ủng hộ tăng trưởng và một ủng hộ thắt lưng buộc bụng là không hề dễ dàng. Bởi lâu nay, Pháp và Đức vẫn công khai chỉ trích chính sách kinh tế của nhau. Chính vì thế, sự quan tâm của dư luận đối với cuộc khủng hoảng Hy Lạp không chỉ là những bước đi của chính phủ Hy Lạp hay các chủ nợ, mà còn là hành động của Pháp và Đức.

Tới nay, các nhà lãnh đạo Pháp và Đức vẫn cố gắng nhượng nhau để bảo vệ "cổ vật" châu Âu, song trong bối cảnh vấn đề Hy Lạp đang càng ngày bị đẩy đi xa quá mức, thì dư luận đã bắt đầu tỏ ra hoài nghi. Vì thế, phản ứng của Pháp và Đức cũng là một ẩn số cho tương lai của Liên minh châu Âu và khu vực đồng tiền chung châu Âu./.