Chưa kể, nó gây chia rẽ trong nội bộ tất cả các bên có liên quan đến cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp.
Với chính phủ của Thủ tướng Hy Lạp, Alexis Tsipras, quyết định đá quả bóng trách nhiệm sang phía dân chúng Hy Lạp là một canh bạc chính trị.Người dân Hy Lạp tức giận với Giám đốc Ngân hàng Trung ương Hy Lạp khi họ không thể rút được tiền (ảnh: AP) |
Ông Tsipras hy vọng nếu dân chúng Hy Lạp nói “Không” với các yêu sách từ phía chủ nợ, chính phủ của ông sẽ có thêm sức nặng trong các đàm phán với nhóm chủ nợ. Nhưng ngược lại, nếu dân chúng Hy Lạp cảm thấy đã quá mệt mỏi và muốn nhanh chóng có một thỏa thuận với các chủ nợ, tức là bỏ phiếu “Có” thì khả năng chính phủ của đảng Syriza phải ra đi cũng là rất lớn.
Khi đó, Hy Lạp sẽ rơi vào tình trạng bất ổn chính trị với các diễn biến rất khó lường, dù về mặt lý thuyết, theo các nhà phân tích thì đó là kịch bản mà EU mong muốn bởi Brussels mâu thuẫn nghiêm trọng với đường lối đàm phán cứng rắn từ chính phủ của ông Alexis Tsipras.
Tuy nhiên, rủi ro dành cho phía các chủ nợ, đặc biệt là cho Ủy ban châu Âu và Ngân hàng châu Âu trong cuộc trưng cầu ý dân này tại Hy Lạp cũng không hề nhỏ.
Việc Hy Lạp quyết định trưng cầu ý dân thực tế đã đặt toàn bộ Liên minh châu Âu vào một tình thế nan giải: đó là dân chủ đối đầu với tiền bạc. Trưng cầu ý dân là hình thức cao nhất của dân chủ trực tiếp và nếu vào ngày Chủ nhật 5/7 này, người dân Hy Lạp nói “Không” với các yêu sách cải cách, thắt lưng buộc bụng từ các chủ nợ, thì sức ép dành cho các nhà lãnh đạo chính trị châu Âu sẽ rất lớn bởi lẽ khi đó họ sẽ buộc phải trả lời câu hỏi: tôn trọng ý nguyện dân chủ của người dân Hy Lạp, hay tiếp tục để cuộc chơi hiện nay cho những nhà kỹ trị kiểm soát?
Đó là nguyên nhân sâu xa đang làm nảy sinh bất đồng giữa một vài thành viên chủ chốt của Liên minh châu Âu, cụ thể là giữa Đức và Pháp. Trong khi nước Đức chủ trương sẽ không có bất cứ đàm phán nào với phía Hy Lạp cho đến sau khi cuộc trưng cầu ý dân ở Hy Lạp có kết quả, tức là phải đợi đến tuần sau thì phía Pháp lại thúc giục các bên sớm đạt được một thỏa thuận “nhanh nhất có thể” trước ngày 5/7.
Điều này phản ánh sự khác biệt quan điểm giữa Berlin và Paris. Trong khi chính phủ của bà Angela Merkel, được sự ủng hộ của đa số thành viên trong Eurogroupe, đặt cược vào thất bại của ông Alexis Tsipras trong cuộc trưng cầu ý dân tới thì chính quyền của ông Francois Hollande ở Pháp lại lo rằng nếu dân chúng Hy Lạp phản ứng bằng lá phiếu “Không” với đòi hỏi cải cách, tính chính danh của các thiết chế ở châu Âu sẽ bị đe dọa.
Về sâu xa, đó là khác biệt trong thái độ giữa Pháp và Đức. Đức cho rằng kể cả Hy Lạp vỡ nợ và phải rời khỏi khu vực đồng tiền chung thì đó cũng không phải thảm họa, trong khi Pháp thì quyết bảo vệ nhận định rằng Eurozone cần phải giữ được sự thống nhất.
Đến thời điểm này thì những thái độ như của Pháp chính là điều mà chính phủ Hy Lạp mong muốn. Thủ tướng Alexis Tsipras đã nói thẳng trên truyền hình Hy Lạp rằng ông tin cái giá của việc Hy Lạp sụp đổ và rời Eurozone là “đủ lớn” để EU buộc phải có những nhượng bộ nhất định.
Vì thế, hôm qua, chính phủ Hy Lạp dù tỏ ý xuống thang đôi chút khi gửi thư cho nhóm chủ nợ chấp nhận các đề xuất cải cách, nhưng vẫn đưa ra điều kiện là nhóm chủ nợ phải đàm phán để tái cấu trúc lại các khoản nợ của nước này, nói cách khác là phải xóa nợ một phần cho Hy Lạp.
Yêu cầu này bị bác bỏ và vào lúc này, không ai dám chắc kịch bản nào sẽ diễn ra trong ngày 5/7 tới, kể cả chính người dân Hy Lạp. Theo các cuộc thăm dò mới nhất trong dân chúng Hy Lạp thì tỷ lệ giữa ủng hộ và phản đối các yêu cầu cải cách từ nhóm chủ nợ là khá ngang nhau.
Người dân Hy Lạp đã quá mệt mỏi, không muốn có thêm bất cứ chính sách khắc khổ nào nữa nhưng họ cũng không muốn nước mình ra khỏi khu vực đồng tiền chung bởi đó sẽ là một thảm họa về kinh tế, xã hội.
Cuộc trưng cầu ý dân vào Chủ nhật này, vì thế, sẽ thực sự là một thời khắc trọng đại với người dân và đất nước Hy Lạp./.