Bốn tháng trước, ngày 13/1/2021, Tổng thống Indonesia, ông Joko Widodo nhận mũi tiêm vaccine Covid-19 đầu tiên, đánh dấu sự khởi đầu cho chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 miễn phí tại quốc gia có số dân đông thứ 4 trên thế giới. Đây cũng là quốc gia liên tục đứng đầu khu vực Đông Nam Á về số ca mắc và tử vong do Covid-19 với hơn 1,7 triệu ca mắc và hơn 46.600 trường hợp tử vong cho đến thời điểm hiện tại.
Chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 ở Indonesia
Chính phủ Indonesia đang nỗ lực hết sức để đạt được mục tiêu tiêm chủng cho 181 triệu dân trong vòng 15 tháng để đạt miễn dịch cộng đồng. Tính đến ngày 9/5, có khoảng 13,2 triệu người đã được tiêm vaccine Covid-19, đạt 31% mục tiêu theo chương trình tiêm chủng của chính phủ.
Để đẩy nhanh quá trình tiêm chủng, Indonesia cũng xây dựng chương trình Tiêm chủng hợp tác lẫn nhau hay còn gọi là tiêm chủng độc lập do Phòng Thương mại Indonesia và công ty dược phẩm Bio Farma thực hiện. Ngoài mục đích đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng ở quốc gia này, chương trình tiêm chủng hợp tác cũng tạo cơ hội cho công dân nước ngoài có Thẻ tạm trú và Thẻ cho phép lưu trú vĩnh viễn tham gia tiêm chủng.
Chương trình này sẽ bắt đầu vào ngày 17/5 tới. Các khu vực tư nhân đứng ra mua vaccine sẽ phải tự chịu trách nhiệm về chương trình tiêm chủng. Loại vaccine được chọn phải khác với loại chính phủ đang sử dụng, hiện đang được phê duyệt là vaccine Sinopharm. Hiện nay, giá đang được trình lên Bộ Y tế phê duyệt là 500.000 rupiah/liều (bằng khoảng 850.000 VND). Tuy nhiên, chi phí tiêm vaccine sẽ do doanh nghiệp chịu, và người lao động không phải chi trả cho việc tiêm chủng để đồng bộ với chính sách tiêm miễn phí đại trà cho toàn dân mà chính phủ Indonesia đưa ra.
Từ 7/4, Indonesia đã tiêm chủng cho người nước ngoài từ các tổ chức quốc tế theo chương trình tiêm chủng của chính phủ. Tuy nhiên, theo một cuộc khảo sát hồi tháng 12/2020 của Viện Populi của Indonesia, số người từ chối vaccine tại Indonesia là từ 16% - 40%. Chính phủ Indonesia đang cố gắng tuyên truyền, giáo dục về việc tiêm chủng toàn dân và chuẩn bị ba biện pháp trừng phạt hành chính đối với những người từ chối tiêm vaccine Covid-19.
Mục tiêu miễn dịch cộng đồng vào cuối năm nay
Có nhiều yếu tố quyết định việc Indonesia có thể đạt được mục tiêu tiêm chủng vaccine Covid-19 đã đề ra hay không, trong đó phải kể đến các yếu tố như năng lực y tế trong tiêm chủng và phân phối vaccine hay sự cân bằng giữa sự sẵn sàng của người tiêm vaccine và sự sẵn có của vaccine Covid-19.
Để đạt mục tiêu tiêm chủng cho 181 triệu người trong hơn 1 năm, Indonesia phải tiêm chủng cho 1 triệu người mỗi ngày. Tuy nhiên, trong tháng 4, Indonesia chỉ thực hiện được một nửa chỉ tiêu này do vaccine nhận qua con đường đa phương (cơ chế COVAX) đang bị hoãn do Ấn Độ tạm ngừng xuất khẩu vaccine.
Hiện nay, chính phủ Indonesia đang nỗ lực bằng nhiều con đường trong đó có "Ngoại giao vaccine", đàm phán với nhiều công ty quốc tế để đảm bảo nguồn cung vaccine. Indonesia đã đặt mua được 426 triệu liều vaccine, số hàng này sẽ được bàn giao theo từng giai đoạn. Cho đến thời điểm hiện tại, Indonesia đã có trong tay 75,91 triệu liều vaccine, bao gồm vaccine Sinovac, AstraZeneca và Sinopharm. Mặc dù không sản xuất vaccine nhưng Indonesia tự hào là quốc gia đứng thứ 3 khu vực châu Á về dự trữ vaccine Covid-19.
Ngoài việc tìm vaccine thay thế cho loại đang bị trì hoãn, Indonesia nhanh chóng khắc phục những khó khăn trong việc phân vaccine đến các vùng khác nhau ở quốc gia vạn đảo với địa lí khó tiếp cận đồng đều. Tiếp đó là nâng cao năng lực y tế, cơ sở vật chất hạ tầng y tế tại các địa phương. Và cuối cùng là phải nâng cao niềm tin của người dân vào tính hiệu quả và công dụng của vaccine Covid-19. Song song với chương trình tiêm chủng, Indonesia tiếp tục đưa ra các quy định nghiêm ngặt về giao thức y tế trong bối cảnh các ca mắc Covid-19 vẫn liên tục tăng tại quốc gia này. Hiện nay, Indonesia đã có 7 biến thể của virus SARS-CoV-2.
Kịch bản phục hồi sau đại dịch
Chính phủ Indonesia rất lạc quan và hi vọng miễn dịch cộng đồng sẽ đạt được theo mục tiêu đề ra và đây sẽ là chìa khóa để đẩy nhanh sự phục hồi kinh tế sau đại dịch. Bộ trưởng Tài chính Indonesia, bà Sri Muliani cho biết, song song với việc xử lý đại dịch và tiêm chủng vaccine, Indonesia đã đưa ra nhiều chính sách để đón đầu khôi phục nền kinh tế hậu đại dịch. Trong đó có việc cải cách luật số 11 năm 2020 về việc tạo việc làm để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, cũng như thành lập Cơ quan đầu tư Indonesia để thúc đẩy đầu tư.
Trong cuộc họp Điều phối phát triển Trung ương năm 2021 vừa qua, Indonesia dự báo năm 2022 là năm then chốt để Indonesia phục hồi nhanh chóng và vươn lên sau đại dịch. Tại cuộc họp này, Indonesia cũng đưa ra bảy ưu tiên trọng tâm là phát triển công nghiệp, du lịch; an ninh lương thực; doanh nghiệp vừa và nhỏ; cơ sở hạ tầng, chuyển đổi kỹ thuật số; cải cách bảo trợ xã hội, cải cách giáo dục và kỹ năng và cải cách y tế.
Để đo lường đúng kế hoạch phát triển của chính phủ, thực hiện tầm nhìn năm 2045, chính phủ Indonesia đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 là từ 5,4 - 6%./.