Động thái diễn ra sau khi Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont “treo” tuyên bố quyết định về độc lập cho vùng Catalonia.
Phát biểu tại Quốc hội Tây Ban Nha, Thủ tướng Rajoy nói rằng đến 10h sáng 16/10, ông Carles Puigdemont phải xác nhận ông ta có tuyên bố độc lập hay không trước khi đình chỉ quyền tự trị của vùng Catalonia.
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy. (Ảnh: Getty Images) |
“Điều rất quan trọng là ông Puigdemont phải làm rõ với người dân Tây Ban Nha rằng ông ta có tuyên bố độc lập hay không”, ông Rajoy nêu rõ. “Ông ấy đã nói sẽ làm rõ điều này vào 16/10. Tuy nhiên hy vọng điều điều này sẽ không xảy ra”.
Theo Thủ tướng Rajoy, nếu ông Puigdemont xác nhận ông tuyên bố độc lập, ông sẽ có thêm 3 ngày để rút lại tuyên bố của mình. Nếu không làm như vậy, chính phủ Tây Ban Nha sẽ kích hoạt điều 155 trong Hiến pháp. Điều này cho phép chính quyền Madrid treo quyền tự trị của một vùng thuộc nước này trong trường hợp vùng đó vi phạm Hiến pháp và luật pháp, hoặc xâm phạm nghiêm trọng đến lợi ích tổng thể quốc gia.
Thủ tướng Tây Ban Nha cũng đã bác bỏ khả năng về vai trò trung gian tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Catalonia. Ông cảnh báo một Catalonia ly khai sẽ không được châu Âu công nhận và sẽ đi kèm những cái giá đắt cho vùng này.
Tuyên bố trên của nhà lãnh đạo Tây Ban Nha được đưa ra khi Thủ hiến Puigdemont , trong một cuộc trả lời phỏng vấn ngày 11/10 với hãng tin CNN (Mỹ), đã đề xuất về một vai trò trung gian tham gia giải quyết căng thẳng giữa 2 bên.
Chưa rõ là chính quyền Catalonia xử trí ra sao, nhưng chắc chắn ông Puigdemont đang rơi vào thế khó khi nếu tuyên bố độc lập thì sẽ bị Tây Ban Nha can thiệp còn tuyên bố không đòi độc lập thì sẽ bị mất sự ủng hộ tại Catalonia.
Trước đó hôm 10/10, Thủ hiến Catalonia Puigdemont trong bài phát biểu được mong chờ từ lâu trước các nhà lập pháp khu vực tại Barcelona dường như không tuyên bố tách khỏi Tây Ban Nha hoàn toàn, nhưng để ngỏ cánh cửa ly khai. Cụ thể, ông Puigdemont hứa hẹn rằng “Catalonia sẽ trở thành một quốc gia độc lập”.
Một quan chức của Liên minh châu Âu (EU) nhận định, Thủ hiến Puigdemont “dường như đã lắng nghe lời khuyên để không làm những việc không thể rút lại được”. Theo các nhà phân tích, việc này xuất phát từ 2 lý do.
Một là để mở đường cho các cuộc đối thoại với chính quyền trung ương Tây Ban Nha trong thời gian tới, mà đây mới thực sự là mục tiêu chính trị quan trọng nhất của những diễn biến ly khai trong thời gian qua.
Hai là trước sức ép và sự phản đối ngày càng tăng từ nhiều phía và nguy cơ rơi vào tình thế bất lợi, phe ly khai ở Catalonia không dám tuyên bố độc lập ngay lập tức. Bản thân ông Puigdemont trong khi đó đối mặt với sức ép từ Liên minh châu Âu (EU) phải từ bỏ kế hoạch ly khai. Ông Puigdemont từng đề nghị EU làm trung gian đối thoại giữa chính quyền Barcelona và Madrid. Tuy nhiên, Liên minh châu Âu đã bác đề nghị này vì cho rằng trưng cầu dân ý ở Catalonia là bất hợp pháp và hơn nữa đó là vấn đề nội bộ của Tây Ban Nha.
Khó có thể đánh giá bước đi của thủ hiến Catalonia mang ý nghĩa tích cực hay tiêu cực đối với tình hình căng thẳng hiện tại. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, phát ngôn “lửng lơ” này có thể giúp ông Puigdemont có thêm thời gian, trong khi đẩy quyền quyết định bước phát triển tiếp theo của khủng hoảng Catalonia về phía chính quyền Madrid.
Giới chức Tây Ban Nha cũng cho biết vẫn còn khả năng cho những cuộc đàm phán giữa hai bên. Tuy nhiên, những cuộc đàm phán này sẽ được tổ chức “trong khuôn khổ luật pháp”, hàm ý các tuyên bố độc lập của Catalonia sẽ không được mang ra để mặc cả. Tuy nhiên, để tháo ngòi căng thẳng hiện này, chính quyền Madrid có thể chấp nhận đàm phán để trao lại cho Catalonia những quyền tự trị mà người dân vùng này cho rằng họ xứng đáng được hưởng.
“Mọi người đều ủng hộ vị thế của chính phủ Tây Ban Nha”, Bộ trưởng Kinh tế Luis de Guindos nói. “Đó là không độc lập cho vùng Catalonia. Đây là một cuộc nổi dậy chống lại các quy định của pháp luật. Luật pháp là nền tảng không chỉ của cuộc sống hàng ngày ở Tây Ban Nha mà cả ở châu Âu. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể thương lượng thêm về một số cải cách, về cơ chế đóng góp tài chính của Catalonia cho Chính phủ Tây Ban Nha cùng nhiều nội dung khác”.
Trong bối cảnh này, giới phân tích cho rằng, giải pháp duy nhất hiện nay là vùng Catalonia và chính quyền trung ương Tây Ban Nha đàm phán. Dù vậy, triển vọng diễn ra đối thoại chính trị có vẻ vẫn còn xa vời khi Madrid khẳng định sẽ không có đàm phán cho đến khi nào Thủ hiến Puigdemont từ bỏ ý định đòi độc lập./.Catalonia đòi độc lập: Giằng xé về quan niệm & lợi ích các cường quốc