Những biến thể nằm ngoài dự đoán
Virus SARS-CoV-2 đã bị đánh giá thấp. Ngay từ đầu đại dịch, nhiều người cho rằng các phiên bản đột biến của virus SARS-CoV-2 sẽ không gây ra vấn đề lớn, cho tới khi biến thể Alpha dễ lây nhiễm hơn xuất hiện, gây ra sự tăng vọt số ca mắc vào mùa thu năm ngoái. Sau đó, biến thể Beta ra đời, khiến những người trẻ mắc bệnh nặng hơn, biến thể Gamma xuất hiện khiến những người đã hồi phục sau khi mắc Covid-19 vẫn tái dương tính. Dù vậy, vào tháng 3, khi sự gia tăng số Covid-19 ở Mỹ giảm, một số nhà dịch tễ học đã lạc quan thận trọng cho rằng, chiến dịch tiêm vaccine nhanh chóng sẽ sớm khống chế được các biến thể và làm chậm sự lây lan của đại dịch.
Tuy nhiên, khi biến thể Delta xuất hiện, nó đã phá hủy sự lạc quan đó. Biến thể lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ vào tháng 12 năm ngoái này, đã lây lan nhanh hơn bất kỳ biến thể nào của virus SARS-CoV-2 cũng như chủng virus ban đầu. Biến thể Delta dẫn đến sự tăng vọt số ca mắc ở các bang của Mỹ, khiến Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) một lần nữa phải khuyến cáo đeo khẩu trang ở nơi công cộng, kể cả khi đã tiêm đủ liều vaccine.
Sự lây lan của biến thể Delta cũng có thể làm chệch hướng những dự đoán trước đó về ngưỡng miễn dịch cộng đồng.
Biến thể Delta, giống như hầu hết các biến thể khác đã khiến chúng ta không kịp trở tay, đồng thời khiến đại dịch Covid-19 ngày càng tồi tệ hơn. Và khi sự lây lan của biến thể Delta bắt đầu giảm đi thì các biến thể khác liệu có đang âm thầm tấn công và một lần nữa kéo lùi chúng ta trở lại vạch xuất phát hay không? Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hiện vẫn đang chú ý đến một vài biến thể, trong đó có Eta, biến thể hiện đang xuất hiện ở một số quốc gia, Kappa - biến thể xuất hiện ở Ấn Độ, Iota - biến thể lần đầu tiên xuất hiện ở thành phố New York và đặc biệt là Lambda - biến thể hoành hành khắp Peru và có những dấu hiệu cho thấy nó có khả năng bất thường trong việc lây nhiễm ở những người đã được tiêm vaccine đầy đủ. Biến thể Lambda hiện đang lan rộng sang Argentina, Chile, Ecuador cũng như bang Texas và Nam Carolina của Mỹ.
Hiện còn quá sớm để khẳng định liệu biến thể Lambda có gây ra một biến cố lớn tồi tệ với chúng ta như những gì biến thể Delta đang làm hay không. Tuy nhiên, hiện nay là thời điểm phù hợp để đặt câu hỏi: Các biến thể này có thể gây ra mức độ phá hủy đến đâu? Liệu các biến thể tương lai có mở rộng tấn công từ phổi tới não, tim và các cơ quan khác hay không? Liệu nó có khả năng đánh lừa người mắc khiến họ tưởng rằng mình đã hồi phục nhưng thực chất thì tình trạng bệnh sau đó sẽ tồi tệ hơn? Liệu có tồn tại một biến thể "Ngày Tận thế" ngoài kia có thể thoát khỏi vaccine, lan rộng như cháy rừng và khiến ngày càng nhiều bệnh nhân trở nặng hơn mà chúng ta chưa từng chứng kiến hay không?
Mặc dù những nguy cơ này không quá cao nhưng các chuyên gia không thể loại bỏ chúng. Biến thể Delta đã cho thấy nó có thể khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn nhiều như thế nào.
Với khả năng lây nhiễm cực kỳ cao, Delta đang tự do lây lan ở những người chưa được tiêm vaccine và có những đặc điểm để gây nên ngày càng nhiều vấn đề.
Đại dịch trong đại dịch
Chúng ta đều không dự đoán được đại dịch sẽ diễn ra theo cách này. Vào thời kỳ đầu đại dịch Covid-19, hầu hết các chuyên gia nghiên cứu kỳ về các đột biến của virus gây bệnh đều hạ thấp mức độ nghiêm trọng của các biến thể.
"Chúng không thể tạo nên nhiều biến thể khác biệt. Chúng ta có lẽ chỉ cần lo lắng về nó trong khoảng 5 năm nữa" Richard Neher, một nhà sinh học tiến hóa tại Đại học Basel của Thụy Sĩ nhận định hồi tháng 8 năm ngoái.
Tuy nhiên, hiện nay, chuyên gia này đã gọi biến thể Delta và các biến thể khác là "đại dịch trong đại dịch".
Không giống như các biến thể khác, Delta đã khiến các nhà khoa học phải nghĩ lại về mức độ nhanh chóng của virus khi tiến hóa sang những hình thức phá hủy mới.
"Tất cả virus corona đều đột biến và chúng tôi hiểu rõ điều đó. Tuy nhiên, chúng tôi không nghĩ các đột biến này lại có thể ảnh hưởng đến khả năng lây nhiễm cũng như xâm chiếm hệ miễn dịch ở mức độ đáng kinh ngạc như vậy", Sharone Green, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Đại học Massachusetts đánh giá.
Dường như chính các nhà khoa học cũng bối rối trước sự xuất hiện nhanh chóng của một biến thể nguy hiểm hơn nhiều như vậy. Jonathan Eisen - một nhà sinh học tại Đại học California, cho rằng, không giống như hầu hết các bệnh dịch khác, bản thân virus SARS-CoV-2 cũng là một bí ẩn lớn kể từ khi nó xuất hiện.
Thậm chí, quan trọng hơn, chuyên gia này cho rằng các nhà khoa học đã đánh giá thấp về quy mô của đại dịch bởi càng nhiều người mắc bệnh thì virus càng có nhiều cơ hội để phát triển những đột biến nguy hiểm.
So với các bệnh dịch khác, virus SARS-CoV-2 không đột biến quá nhanh. Virus này không có nhiều chất liệu di truyền khi chỉ có khoảng 15 gen, so với vi khuẩn E.coli có tới 3.000 gen hay con người với khoảng 20.000 gen. Hơn nữa, Covid-19 có cơ chế kiểm tra di truyền khiến nó "thành thạo" trong việc tránh những lỗi sai khi nhân lên so với hầu hết các virus khác.
Tuy nhiên, trong khi tỷ lệ đột biến của virus SARS-CoV-2 ở mức thấp với khoảng 1 đột biến trong 10 lần nhân lên, thấp hơn tỷ lệ đột biến của virus gây cúm và virus HIV thì dịch bệnh Covid-19 lại tận dụng trò chơi con số. Một người mắc Covid-19 có thể mang tới 10 tỷ bản sao của virus, đủ để tạo ra hàng tỷ đột biến mỗi ngày. Điều gì xảy ra với tất cả những đột biến này. Gần như câu trả lời luôn là: Không gì cả. Sự xáo trộn về gen diễn ra hoàn toàn ngẫu nhiên với kết quả là gần như tất cả đột biến đều không có ảnh hưởng đến virus hoặc khiến cho virus ít lây lan hơn hay thậm chí là khiến cho nó hoàn toàn không còn chức năng nữa.
Dù vậy, trong một lần nào đó, có lẽ là sau hàng tỷ tỷ lần, môt đột biến ngẫu nhiên khiến cho virus có một đặc điểm nguy hiểm. Khi virus có một đột biến làm tăng khả năng tàn phá của nó thì điều đó cũng không có nghĩa là một biến thể mới nguy hiểm xuất hiện. Để trở thành một biến thể đáng kể, một virus đột biến phải trở nên áp đảo trong tỷ lệ dân số mà chúng lây lan.
Điều khiến đột biến nhân lên và lây lan mạnh hơn do môi trường quyết định. Chẳng hạn, với trường hợp của virus gây nên dịch bệnh Covid-19, khả năng di chuyển xa hơn trong không khí và bám chắc hơn vào những tế bào trong mũi sẽ khiến biến thể mới trở thành biến thể lây lan rộng khắp.
"Công việc của virus là tiếp tục nhân lên. Bất kỳ đột biến nào giúp virus tồn tại và lan rộng sẽ khiến nó trở thành một biến thể hoàn hảo hơn", nhà nghiên cứu Green cho hay.
Sự lây lan của biến thể Delta, cùng với một số lượng lớn người mắc bệnh đã trở thành những "phòng thí nghiệm sống cho các đột biến của virus", điều kiện để tạo ra các biến thể ngày càng nguy hiểm hơn trong những tháng tới.
"Sẽ rất khó để ngăn chặn virus bằng khẩu trang và giãn cách xã hội vào thời điểm này. Vaccine chính là chìa khóa và sự ngần ngại tiêm vaccine chính là trở ngại", Preeti Malani, nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại Đại học Michigan đánh giá.
Sự gia tăng những người đạt được miễn dịch tự nhiên sau khi mắc Covid-19 cũng không làm thay đổi được tình hình, Eric Vail - giám đốc Trung tâm Y tế Cedars-Sinai bình luận.
"Hiện khoảng 1/3 dân số Mỹ đã đạt được miễn dịch tự nhiên nhưng điều đó có lẽ đã được đánh giá cao quá mức. Điều đó vẫn không đủ để đảm bảo rằng, Delta sẽ là biến thể lớn cuối cùng".
Khả năng đánh bại vaccine
Mặc dù biến thể Delta đã gây nên các ca mắc đột phá hoặc làm giảm hiệu quả của vaccine nhưng các nhà khoa học cho rằng biến thể Delta hoặc thậm chí một biến thể mới "hoàn hảo" hơn sẽ không dễ đánh bại lá chắn miễn dịch do vaccine tạo ra, hay thậm chí là lá chắn miễn dịch tự nhiên.
Một lý do theo chuyên gia Vail là hầu như virus chủ yếu lây lan ở những người chưa được tiêm vaccine, cũng chưa từng nhiễm bệnh trước đó và các đột biến tránh hệ miễn dịch không thực sự có lợi thế trong môi trường này. Một biến thể lẩn tránh hệ miễn dịch sẽ có lợi thế hơn khi lây nhiễm ở những người đã được tiêm vaccine hay những người đã hồi phục, nơi mà đột biến này có khả năng cạnh tranh cao hơn so với các virus chưa đột biến. Tuy nhiên, không có đủ số lượng virus ở những trường hợp trên để xảy ra đột biến nhanh chóng như vậy.
Ngoài ra, việc thoát khỏi hệ miễn dịch cũng là thách thức với virus gây bệnh Covid-19. Hệ miễn dịch của con người, từng được kích hoạt qua việc tiêm vaccine hay mắc bệnh, sẽ trở nên mạnh mẽ hơn và chống lại các virus gây bệnh hiệu quả hơn so với những gì các nghiên cứu chỉ ra.
Tuy nhiên, có một viễn cảnh đặc biệt nguy hiểm là biến thể virus SARS-CoV-2 khiến cho mọi người cảm thấy khỏe mạnh một thời gian dài và sau đó mới khiến tình trạng bệnh của họ trở nên nghiêm trọng. Hầu như rất ít virus, ngoại trừ virus HIV, có thể có được khả năng đó và cho tới nay, Covid-19 dường như chưa phải một mối đe dọa như vậy.
Dù vậy, chuyên gia Eisen cảnh báo viễn cảnh trì hoãn phát bệnh này không thể loại bỏ. Các biến thể mới có những cách để gây ra sự tàn phá tồi tệ hơn trong khi không ngừng lây lan. Chẳng hạn, có thể xuất hiện một biến thể mới, không chỉ tấn công vào phổi mà còn vào cả não, tim và các cơ quan khác một cách từ từ và tinh vi, khiến cho nạn nhân vẫn khỏe mạnh, ra ngoài sinh hoạt bình thường cho tới khi phát bệnh nghiêm trọng.
"Chúng tôi đã chứng kiến những biến thể khác nhau có khả năng khác nhau để xâm nhập vào một loại tế bào nào đó, và có thể tác động đến hệ thần kinh hay chức năng của phổi. Điều đó rất đáng lo ngại", chuyên gia này cho hay.
Rõ ràng, sự đe dọa từ các biến thể khó lường có lẽ đang nhắc nhở nhân loại về việc cần chuẩn bị kỹ hơn cho những viễn cảnh tồi tệ phía trước./.