Ngày 14/4 vừa qua, Hội nghị nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) khai mạc tại Tam Á, tỉnh Hải Nam (Trung Quốc). Sau thời gian bàn thảo Hội nghị đã ra "Tuyên bố Tam Á".
Trong bối cảnh quốc tế đang có nhiều vấn đề “nóng” cần giải quyết, Hội nghị nhóm BRICS đã được các nhà nghiên cứu và dư luận quốc tế quan tâm.
Tăng cường chủ nghĩa đa phương
Nhóm BRICS đại diện cho hơn 40% dân số thế giới và theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), lượng đóng góp của nhóm này trong tăng trưởng kinh tế thế giới đã tăng từ 13,1% năm 2000 lên hơn 60% năm 2010. Dự báo đến năm 2014, nhóm này sẽ chiếm tới 61% tăng trưởng toàn cầu.
Xét từ quan điểm kinh tế, điểm chung duy nhất giữa các thành viên khác của nhóm là Trung Quốc. Ông Jonathan Anderson - nhà kinh tế trưởng của Tập đoàn dịch vụ tài chính UBS tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết: “Đây không phải là một khối kinh tế thống nhất, hội nhập nhanh. Đó là một nhóm gồm 4 quốc gia đa dạng về thương mại và địa chính trị trong đó mỗi quốc gia đều có một mối quan hệ song phương ngày càng phát triển với thành viên thứ năm”.
Theo ông Anderson, Trung Quốc đã chiếm khoảng 12% mậu dịch tại các quốc gia còn lại của BRICS, cao hơn gấp 6 lần so với đầu năm 2000 và hiện vẫn đang tăng trưởng nhanh. Trong khi đó, Nam Phi, Brazil, Ấn Độ và Nga chỉ đóng góp 3% nguồn lực dành cho mậu dịch với nhau và con số này vẫn gần như “ổn định” trong thập kỷ qua.
Ông Yu Ping - Phó Chủ tịch của Hội đồng xúc tiến thương mại quốc tế (CCPIT) cho biết, năm 2010, mậu dịch của Trung Quốc với các quốc gia BRICS đã tăng bình quân là 40%, cao hơn mức tăng 30% tổng mậu dịch của Trung Quốc.
Nhóm BRICS và các nền kinh tế mới nổi đã phát huy vai trò quan trọng trong các mặt giữ gìn hòa bình, an ninh và ổn định của thế giới, thúc đẩy kinh tế toàn cầu tăng trưởng, tăng cường chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy dân chủ hóa quan hệ quốc tế. Nhóm BRICS là mặt bằng quan trọng để các nước thành viên triển khai đối thoại và hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính và phát triển.
Nhóm BRICS cũng ủng hộ mạnh mẽ mục tiêu cải cách của IMF đã được xác định tại Hội nghị Cấp cao G20, tái khẳng định kết cấu quản lý của cơ quan kinh tế - tài chính quốc tế cần phản ánh sự thay đổi của bố cục kinh tế thế giới, tăng thêm quyền phát ngôn và tính đại diện của các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển.
Dân chủ hoá kinh tế - chính trị toàn cầu
Tại Hội nghị cấp bộ trưởng diễn ra ngày 13/4, các đại biểu đã nhất trí cho rằng, kinh tế thế giới vẫn đang trong quá trình phục hồi kể từ sau khủng hoảng, nhưng đang chịu "lực cản" khá lớn từ làn sóng biểu tình, bạo động đang lan rộng ở Bắc Phi, Trung Đông; thảm họa động đất, sóng thần và rò rỉ phóng xạ hạt nhân ở Nhật Bản. Trong khi đó, các nước thành viên BRICS lại đang phải đối mặt với nhiều thách thức như tình trạng bong bóng tài sản, tỷ lệ lạm phát cao và tốc độ tăng trưởng quá nóng. Vì vậy, nhóm BRICS cần phải đẩy mạnh hợp tác trong việc ban hành chính sách kinh tế vĩ mô nhằm đảm bảo nền kinh tế tiếp tục phục hồi và phát triển một cách cân bằng, bền vững.
Hội nghị cho rằng, các nước thành viên BRICS cần tăng cường hợp tác kinh tế thông qua mở rộng trao đổi thương mại và đầu tư. Hội nghị cũng cam kết phản đối mọi hình thức bảo hộ thương mại, đồng thời cho rằng cần phải thành lập cơ quan liên lạc có nhiệm vụ đưa ra các đề xuất về khung cơ chế hoạt động, cũng như những biện pháp cụ thể nhằm mở rộng hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên và từng nước thành viên với các nền kinh tế đang phát triển khác. Bên cạnh đó, các đại biểu dự Hội nghị cũng tái khẳng định sự ủng hộ đối với việc Nga gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trong năm nay.
“Tuyên bố Tam Á” nhấn mạnh, Nhóm BRICS dốc sức cho việc thúc đẩy ngoại giao đa phương, ủng hộ Liên Hợp Quốc phát huy vai trò hạt nhân trong ứng phó thách thức và đe dọa toàn cầu. Nhóm BRICS tái khẳng định, cần phải tiến hành cải cách toàn diện Liên Hợp Quốc trong đó có Hội đồng Bảo an, để các cơ quan này hoạt động có hiệu quả và có tính đại diện hơn.
Tuyên bố cũng nêu rõ, nhóm BRICS sẵn sàng tăng cường hợp tác tại Hội đồng Bảo an về vấn đề Libya, các bên cần giải quyết bất đồng thông qua biện pháp hòa bình và đối thoại, Liên Hợp Quốc và các tổ chức khu vực cần phải phát huy vai trò xứng đáng. Nhóm BRICS ủng hộ sáng kiến của Ủy ban chuyên trách vấn đề Libya của Liên minh châu Phi.
Giáo sư Shi Yinhong, chuyên gia về các mối quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh nhận định: Tuyên bố chung của hội nghị đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề Libya; đồng thời có thể kêu gọi một lệnh ngừng bắn, một giải pháp chính trị, kêu gọi cộng đồng quốc tế và Liên Hợp Quốc thông qua các biện pháp giảm thiểu thảm họa nhân đạo” tại quốc gia Bắc Phi này.
NamPhi dẫn đầu “châu lục đen”
Dư luận đặc biệt quan tâm tới Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần này bởi sự có mặt của Nam Phi, được Trung Quốc mời gia nhập nhóm hồi cuối năm 2010.
Trả lời phỏng vấn hãng AFP, nhà kinh tế Andrew Kenningham thuộc Capital Economics đặt tại London cho rằng: Một vấn đề BRICS sẽ “cùng hợp sức” là gia tăng ảnh hưởng của các nền kinh tế mới nổi. Với việc kết nạp Nam Phi, quốc gia được xem là có “tầm quan trọng mang tính biểu tượng như là nền kinh tế hàng đầu châu Phi”, vấn đề trên “sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều”.
Cùng chung quan điểm này, một số chuyên gia nhấn mạnh thêm, Nam Phi đang đạt được vị thế là “cửa ngõ lục địa”, được cả phương Đông và phương Tây xem như “một đối tác chiến lược” và đó là lý do chính BRICS muốn quốc gia này gia nhập nhóm.
Nam Phi trở thành một thành viên mới nhất của BRICS nhờ sự ủng hộ tích cực của Trung Quốc. Nam Phi là quốc gia có nền kinh tế mới nổi lớn thứ 12, nhưng Nam Phi được gia nhập vào nhóm với tư cách là một đại diện của toàn khu vực châu Phi. Hơn nữa, căn cứ vào những mối quan tâm ngày càng lớn vào lục địa này thì nó còn có ý nghĩa lớn về mặt địa chính trị.
Như vậy, theo nhận định của giới phân tích quốc tế thì hiện tượng BRICS đã phản ánh rõ nét hơn xu thế đa cực hoá, dân chủ hoá quan hệ kinh tế - chính trị quốc tế sau những chấn động toàn cầu: khủng hoảng tài chính - kinh tế thế giới, khủng hoảng chính trị - dầu mỏ ở Bắc Phi, Trung Đông và thảm hoạ động đất, sóng thần, rò rỉ phóng xạ hạt nhân ở Nhật Bản. Đây cũng là cơ hội để Trung Quốc chứng tỏ vị thế của mình đối với các nước mới nổi, đồng thời khẳng định vị trí của Nam Phi trên trường quốc tế./.