- Thấy gì từ Hội nghị nhóm BRICS?
- BRICS mang đến những lợi ích cho kinh tế thế giới
- BRIC mời Nam Phi gia nhập thành viên chính thức
Cuộc họp lần thứ 4 của nhóm BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi diễn ra ngày 29/3 tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ. Dự kiến cuộc họp sẽ tập trung vào việc tăng cường thương mại trong khối, và đặc biệt là kế hoạch thành lập ngân hàng phát triển của BRICS.
Mặc dù còn tồn tại nhiều bất đồng xung quanh các vấn đề chính sách, song các nước này đều cùng nhau chia sẻ những lợi ích chung, mà chủ yếu là trong lĩnh vực kinh tế và tài chính.
Nguyên thủ các nước thuộc BRICS (Ảnh: Tân Hoa xã) |
Hội nghị có khả năng sẽ ra Tuyên bố New Delhi, với sự đồng thuận quan điểm từ tất cả các nước thành viên trong khối, trong đó có thể còn bao gồm tuyên bố về vấn đề Syria, vấn đề hạt nhân Iran và khủng hoảng nợ công ở châu Âu.
Báo chí Ấn Độ cho rằng Hội nghị Thường đỉnh BRICS là cơ hội để các nước thành viên trong nhóm bắt đầu cuộc thảo luận về sự “khiếm khuyết” trong sự điều hành toàn cầu, vốn đã lỗi thời; tìm kiếm những con đường mới cho sự phát triển và thịnh vượng.
Swaran Singh, nhà phân tích thuộc trường Đại học New Delhi cho biết, Hội nghị Thượng đỉnh lần này có ý nghĩa quan trọng, nhất là trong bối cảnh suy thoái kinh tế hiện nay: “Tôi cho rằng, Hội nghị BRICS lần này thực sự quan trọng bởi vì từ cuộc đại suy thoái cuối năm 2008, tình hình kinh tế toàn cầu đi xuống và rơi vào suy thoái. Trong bối cảnh này các nền kinh tế đang nổi dường như thế hiện được sự vững chắc và có vai trò là đầu tàu kinh tế để vực dậy tăng trưởng toàn cầu, đang thực sự bị nhấn chìm”.
Để có thể đảm nhiệm được vai trò đầu tàu, trước hết các thành viên của nhóm BRICS cần phải phát huy sức mạnh nội khối, thúc đẩy tăng trưởng thương mại nội khối thông qua các chính sách và sáng kiến hợp lý. Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Anand Sharma nhấn mạnh: “Thế giới đang chứng kiến suy thoái kinh tế cùng với cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu. Chúng ta hy vọng rằng với những chính sách và sáng kiến được thực hiện, nhằm tăng cường đầu tư và thúc đẩy thương mại, chúng ta có thể vượt qua những khó khăn hiện nay”.
Trong một nỗ lực nhằm đưa các nền kinh tế trong khối xích lại gần nhau hơn, Hội nghị sẽ thảo luận về việc thành lập một thể chế đầu tiên của nhóm, hay còn gọi là Ngân hàng BRICS nhằm tài trợ cho các dự án phát triển và cơ sở hạ tầng tại các quốc gia phát triển. Dù mới chỉ là trên kế hoạch, tuy nhiên đề xuất này cũng cho thấy nỗ lực của khối là chính thức hóa và gia tăng tầm ảnh hưởng của khối trên trường quốc tế thông qua việc xây dựng các thể chế chung và mở rộng các cơ hội cho vay, trở thành một nhà cho vay đa phương, song hành cùng Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á.
Phát biểu trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh, Bộ trưởng Thương mại Brazil Fernando Pimentel nhấn mạnh, Ngân hàng BRICS được thiết lập sẽ là công cụ tài chính vững mạnh để cải thiện các cơ hội thương mại và đầu tư, đồng thời cũng là một bước tiến quan trọng để hỗ trợ Liên minh châu Âu vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính.
Ngoài ra, một trong những ưu tiên hàng đầu tại Hội nghị là giảm sự phụ thuộc của BRICS vào đồng USD. Trung Quốc dự định sẽ cho các nước BRICS vay tiền bằng đồng nhân dân tệ, trong khi các ngân hàng phát triển của các nước thành viên khác trong khối này cũng có khả năng mở rộng khoản vay bằng đồng nội tệ của họ. Động thái này được cho sẽ là một thách thức đối với đồng USD Mỹ, vốn đang thống trị những giao dịch thương mại và đầu tư tại các nền kinh tế mới nổi./.