Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ có lịch sử vượt qua những bất đồng. Chuyến thăm Ankara của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần này là một cơ hội minh chứng rằng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là đối tác quan trọng của Mỹ, đặc biệt vào thời điểm quan trọng hiện nay.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden hội đàm với Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim. Ảnh: Reuters |
Mục đích chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 24/8 là nhằm trấn an đồng minh trong thời khắc chính trị rối ren tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Biden trở thành quan chức cấp cao nhất của phương Tây tới thăm Thổ Nhĩ Kỳ kể từ cuộc đảo chính bất thành xảy ra tại đây vào tháng trước.
Chuyến thăm diễn ra đúng vào thời điểm quan hệ Mỹ - Thổ đang trong giai đoạn đỉnh điểm khủng hoảng mà đã làm dấy lên tin đồn về sự rạn nứt lớn trong mối quan hệ chiến lược kéo dài hàng thập kỷ giữa hai nước với nhiều nốt thăng trầm.
Trước vụ đảo chính thất bại ngày 15/7, quan hệ Mỹ - Thổ đã trở nên căng thẳng vì những bất đồng về vấn đề Syria cho dù Ankara đã và tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong liên quân do Mỹ cầm đầu chống Nhà nước Hồi giáo (IS).
Vụ đảo chính bất thành mà trong đó lực lượng đảo chính đã tấn công nghị viện Thổ Nhĩ Kỳ, làm trên 200 người thiệt mạng và suýt ám sát Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, càng làm tăng cuộc khủng hoảng trong mối quan hệ giữa hai nước .
Người Thổ Nhĩ Kỳ đích danh chỉ tên Washington
Giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng như phần lớn cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống ở nước ngoài đã buộc tội Mỹ trong khả năng lớn nhất là hỗ trợ và thấp nhất là giữ một lập trường mềm mỏng đối với Giáo sỹ Fethullah Gulen đang tị nạn ở Mỹ mà theo Ankara là người chủ mưu gây ra vụ đảo chính ngày 15/7. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu tiên gọi phong trào Gulen là tổ chức khủng bố vào năm 2013.
Vào tuần trước, ông Erdogan đưa ra lời khuyến cáo: "Sớm hay muộn, Mỹ phải lựa chọn: Thổ Nhĩ Kỳ hay FETO (Tổ chức Khủng bố Fethullah)."
Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Mỹ dẫn độ Giáo sỹ Gulen, người đứng đầu một mạng lưới toàn cầu các trường học, các tổ chức từ thiện và doanh nghiệp. Thổ Nhĩ Kỳ buộc tội phong trào Gulen đang xâm nhập vào Thổ Nhĩ Kỳ với mưu đồ thành lập "một nhà nước song song”. Do vậy, Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai chiến dịch "thanh lọc" trên quy mô lớn.
Kể từ sau vụ chính biến bất thành ngày 15/7, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt hàng chục người bị tình nghi có liên quan đến tổ chức của Giáo sỹ Gulen. Ngoài ra, hàng ngàn người khác bị đình chỉ công việc trong ngành quân đội, cảnh sát, giáo dục và truyền thông trong mối khiếp sợ rằng Tổng thống Erdogan đang tận dụng vụ đảo chính này để củng cố quyền lực của mình.
Trách nhiệm liên đới của Giáo sỹ Gulen cần phải được chứng minh
Phía Mỹ cho rằng, bất cứ đề nghị dẫn độ nào là một quy trình pháp lý lâu dài, đòi hỏi bằng chứng cụ thể về sự tham gia trực tiếp của Giáo sỹ Gulen (vì chỉ có toà án Mỹ mới có thể dẫn độ giáo sỹ Hồi giáo gốc Thổ này căn cứ vào chứng cứ thu thập được) đồng thời đòi hỏi sự cam đoan rằng ông Gulen có thể được xét xử công bằng ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong một động thái để chứng tỏ Mỹ đang xem xét những vấn đề quan ngại của Thổ Nhĩ Kỳ một cách nghiêm túc, một nhóm các chuyên gia Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao Mỹ đã có mặt tại Ankra để tham vấn những người đồng cấp trước chuyến thăm của Phó Tổng thống Biden. Bước tiến này cùng với cam đoan của ông Biden về quan hệ đối tác giữa hai nước có thể góp phần xoa dịu quan hệ vốn đang căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tại Ankara vào ngày 24/8, Phó Tổng thống Mỹ Biden đã một lần nữa khẳng định với các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ rằng Washington không biết trước cũng như không ủng hộ vụ đảo chính bất thành ngày 15/7. Ông Biden cũng cho biết Mỹ đang hợp tác với giới chức Thổ Nhĩ Kỳ để xem xét chứng cớ buộc tội Giáo sỹ Gulen song các chuẩn mực pháp lý cần phải được tuân thủ.
Đáp lại, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cho biết hai nước không nên để những vấn đề rắc rối làm phương hại quan hệ giữa hai nước và Ankra kỳ vọng thủ tục pháp lý về việc dẫn độ Giáo sỹ Gulen cần được xúc tiến ngay, không trì hoãn.
Bài toán hóc búa mang tên Syria
Một vấn đề thảo luận quan trọng thứ hai trong chuyến thăm Ankara của Phó Tổng thống Biden là cuộc chiến chống IS ở Syria và Iraq cũng như những nỗ lực quốc tế để đạt được một giải pháp chính trị ở Syria. Trong cả hai lĩnh vực này, Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh quan trọng và sự hợp tác của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ quyết định đến sự thành công hay thất bại trong chiến lược của Mỹ ở khu vực này.
Thổ Nhĩ Kỳ cho phép liên quân do Mỹ dẫn đầu sử dụng căn cứ quân sự Incirlik ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ để tiến hành các cuộc không kích IS, song hai đồng minh này không phải lúc nào cũng nhất quán về chiến lược này bởi Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại rằng Mỹ giúp sức cho lực lượng dân quân YPG của người Kurd tại Syria [thuộc đảng Liên minh dân chủ (PYD)] thiết lập một vùng tự trị dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, Ankara coi YPG là một tổ chức khủng bố vì có quan hệ mật thiết với Đảng Công nhân người Kurd (PKK) đã liên tiếp tiến hành nổi dậy trong suốt trên ba thập kỷ qua tại Thổ Nhĩ Kỳ. Washington cũng coi PKK là một tổ chức khủng bố song xem PYD/YPG là một tổ chức ly khai. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, IS, PKK/PYD và Gulen không có gì khác nhau và đều là các nhóm khủng bố.
Mỹ ủng hộ Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), một lực lượng hỗn hợp gồm người Kurd và Arab do YPG cầm đầu để chiến đấu chống IS trên mặt đất ở Syria. Được coi là lực lượng chiến đấu cừ khôi nhất trên mặt đất, SDF đã đẩy lui IS trên nhiều mặt trận dưới sự yểm trợ của sức mạnh không quân Mỹ và khoảng 300 cố vấn của các lực lượng đặc nhiệm Mỹ.
Mối lo ngại chính của Thổ Nhĩ Kỳ đó là trong chiến lược ưu tiên đánh IS, Mỹ sẽ giúp sức cho người Kurd Syria thống nhất các vùng lãnh thổ ở phía Đông Bắc với Afrin, một lãnh thổ do người Kurd kiểm soát về phía Tây. Điều này sẽ giúp người Kurd Syria giành quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ liền một dải, bao bọc gần toàn bộ biên giới giáp Syria.
Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ lo sợ rằng thắng lợi của người Kurd Syria sẽ khích lệ bộ phận dân cư người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ nổi dậy và dẫn tới việc thành lập một thể chế nhà nước do PKK kiểm soát bên đường biên giới của mình.
Thủ tướng Yildirm cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đóng vai trò tích cực hơn trong khu vực trong vòng sáu tháng tới. Ông nói: "Điều này có nghĩa là không cho phép Syria bị chia cắt theo bất kỳ cơ sở bộ tộc nào và đối với Thổ Nhĩ Kỳ điều này tối quan trọng”.
Để đạt mục tiêu này, Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải cải thiện quan hệ với Nga, Israel và Iran và thậm chí ám chỉ xoay chuyển trong lập trường đường lối cứng rắn về Syria. Sau một vài năm quan hệ xói mòn với các nước láng giềng, Thổ Nhĩ Kỳ dường như đang trong quá trình thay đổi chính sách ngoại giao. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là sẽ có sự rạn nứt với Mỹ hay cái gọi là xoay trục về phía Đông trong chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ.
Phó Tổng thống Mỹ đến thăm Ankara vào thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu một chiến dịch tấn công lớn nhằm vào lực lượng IS và các chiến binh người Kurd tại Syria. Mục đích các cuộc tấn công dồn dập trên không lẫn mặt đất của Thổ Nhĩ Kỳ là nhằm quét sạch các chiến binh jijhad khỏi thị trấn Jarabulus của Syria nằm đối diện đường biên giới giáp Thổ Nhĩ Kỳ.
Ankara đanh thép nhấn mạnh sẽ không để các lực lượng người Kurd Syria hiện diện trên bất kỳ tấc đất nào gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Thủ tướng Yildirim khẳng định lại rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không chấp nhận việc thiết lập một thực thể người Kurd mới trong lòng Syria và sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria cần phải được duy trì.
Phó Tổng thống Biden nêu rõ rằng các lực lượng người Kurd Syria cần phải quay trở lại bờ Đông sông Euphrates sau khi góp sức giành quyền kiểm soát thị trấn Manbij và Mỹ sẽ không chấp nhận một thực thể người Kurd hiện diện ở đường biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ. Song ông Biden cho biết thêm rằng: "Họ không thể và dù trong hoàn cảnh nào chăng nữa họ sẽ không nhận được sự hỗ trợ của Mỹ nếu không giữ đúng cam kết”.
Syria đang là một bãi chiến trường phức tạp và một môi trường chính trị giao cắt giữa các lợi ích chính trị địa phương, khu vực và quốc tế. Về vấn đề này, một mình Thổ Nhĩ Kỳ không có đủ sức mạnh ngoại giao, chính trị và quân sự để đạt được những lợi ích của mình ở Syria, chủ yếu là ngăn chặn sức lan toả từ bên kia biên giới và bảo toàn Syria là một nhà nước toàn vẹn.
Vì thế, là một siêu cường quốc số một thế giới, Mỹ luôn có một vai trò đặc biệt đối các nhà hoạch định chính sách Thổ Nhĩ Kỳ và ngược lại. Hay nói cách khác, Mỹ cần Thổ Nhĩ Kỳ cũng như Thổ Nhĩ Kỳ cần Mỹ.
Cựu đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ross Wilson, nhận định: "Quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ là mối quan hệ chiến lược, được xây dựng trên nền tảng liên minh trong nhiều thập kỷ qua và có giá trị cao đối với cả hai bên. Tôi không thấy có khả năng nào lớn làm thay đổi nền tảng quan hệ đôi bên ở bất kỳ thời điểm nào trong tương lai gần"./.
Chính sách đối ngoại mới của Thổ Nhĩ Kỳ: Tăng cường hòa giải?