Đây là một sự thay đổi nhỏ nhưng đáng chú ý so với ngôn từ thường được sử dụng trong các cuộc đàm phán trước kia của Mỹ với Triều Tiên.
Dụng ý sâu xa của Mỹ
Trong các bài phát biểu, các tài liệu về chính sách và trên nhiều kênh thông tin khác, nhiều quan chức cấp cao của Mỹ, trong đó có Ngoại trưởng Antony Blinken thường xuyên sử dụng cụm từ này như một cách chứng tỏ sự thay đổi lập trường của chính quyền mới.
Từ “Bán đảo Triều Tiên” đã được sử dụng trong 1 thập kỷ qua trong nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và các thỏa thuận quốc tế, bao gồm cả tuyên bố chung do nhà lãnh đạo Triều Tên Kim Jong Un và cựu Tổng thống Donald Trump ký kết trong cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên tại Singapore năm 2018.
Ngoại trưởng Blinken không trả lời câu hỏi vì sao ông sử dụng cách gọi mới trong cuộc họp báo tại Seoul vào ngày 18/3, nhưng người đồng cấp Hàn Quốc – Ngoại trưởng Chung Eui-yong cho rằng, việc dùng cụm từ “Bán đảo Triều Tiên” khi nói đến vấn đề phi hạt nhân hóa sẽ “chính xác hơn”.
“Đây như một cách nói để Triều Tiên thấy rằng Hàn Quốc đã phi hạt nhân hóa và vì thế cả hai bên cần phải song hành cùng nhau. Nếu chúng ta nói “phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên”, chúng ta sẽ tự tin hơn về việc có thể thuyết phục Triều Tiên đi theo con đường của chúng ta”.
Trước đó một ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, Mỹ và Hàn Quốc đã “tái khẳng định mục tiêu chung là phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên”. Trong khi đó, Lầu Năm Góc nói rằng họ “ghi nhận cam kết hỗ trợ các nỗ lực ngoại giao nhằm đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên”. Cách sử dụng từ ngữ trong các tuyên bố nói trên đã cho thấy lập trường có phần khác biệt giữa Mỹ và Hàn Quốc. Theo giới phân tích, dường như đã có sự thiếu kết nối giữa hai bên trong vấn đề này.
Các chuyên gia và các nhà ngoại giao phương Tây cho rằng, cách sử dụng từ ngữ mới của Washington là sự tính toán có chủ đích và rất đáng lưu ý.
Ông Ben Rhodes – từng là Phó Cố vấn An ninh Quốc gia dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama nhận xét: “Việc sử dụng từ ngữ có thể đã được xem xét kỹ lưỡng. Đây là một sự thay đổi đáng kể so với lập trường có từ thời cựu Tổng thống Obama với cách gọi quy chuẩn “phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên”.
Washington Post lưu ý rằng, Hàn Quốc không có vũ khí hạt nhân, hơn nữa Mỹ đã rút các vũ khí hạt nhân chiến thuật ra khỏi lãnh thổ nước đồng minh này vào năm 1991. Tuy nhiên, sau khi rút loại vũ khí này, Mỹ đã mở rộng "chiếc ô hạt nhân", hỗ trợ cả Nhật Bản và Hàn Quốc với việc triển khai máy bay ném bom và tàu ngầm trong khu vực.
Do vậy, với cách nói chỉ tập trung vào việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên thay vì toàn bộ Bán đảo Triều Tiên, chính quyền Biden dường như muốn gửi đi thông điệp rằng họ đang theo đuổi một đường lối cứng rắn hơn và không có ý định thỏa hiệp hay nhượng bộ đối với Triều Tiên.
Rào cản trong đàm phán Mỹ - Triều
Vipin Narang, chuyên gia về các vấn đề hạt nhân tại Viện Công nghệ Massachusetts nhận xét rằng, những ẩn ý thông qua cách sử dụng từ ngữ của Washington trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên nhiều khả năng sẽ gây khó chịu cho Bình Nhưỡng và có thể cản trở việc khởi động bất cứ cuộc đàm phán giữa hai bên..
“Bình Nhưỡng sẽ hiểu rằng cách nói “phi hạt nhân hóa Triều Tiên” bao hàm các nghĩa vụ đơn phương mà họ phải thực hiện. Đây là điều từ trước đến nay họ không bao giờ chấp nhận”, ông Vipin Narang nhấn mạnh.
Trong một tuyên bố ngày 18/3, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui đã chỉ trích các cuộc thảo luận của chính quyền Biden về mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn, coi đây là “lý thuyết điên rồ” cần phải loại bỏ trước khi các bên nối lại cuộc đàm phán.
Chưa kể, những quan điểm mâu thuẫn và mơ hồ về khái niệm phi hạt nhân hóa đã khiến các cuộc đàm phán Mỹ-Triều rơi vào bế tắc. Triều Tiên từng tuyên bố rằng: “Phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên là xóa bỏ mọi yếu tố đe dọa hạt nhân không chỉ từ phía Triều Tiên và Hàn Quốc, mà từ toàn bộ các khu vực xung quanh". Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ phải rút quân ra khỏi Hàn Quốc và chấm dứt chiếc “ô hạt nhân” nhằm bảo vệ các đồng minh, cùng các điều kiện khác. Cam kết phi hạt nhân hóa của Triều Tiên cũng gắn liền với yêu cầu phía Mỹ phải có sự đảm bảo an ninh, kinh tế đối với Bình Nhưỡng, trong đó có việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên, tức là bất kỳ bước đi nào cũng phải mang tính "có đi có lại".
Về phần mình, Mỹ luôn khẳng định Triều Tiên phải giải giáp một cách hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược các loại vũ khí hạt nhân của nước này cũng như các cơ sở chế tạo chúng. Tuy nhiên, Washington chưa từng tuyên bố, nước này sẽ giảm sự hiện diện quân sự và giảm cam kết bảo vệ đồng minh, để đổi lấy việc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân.
Nhà nghiên cứu Duyeon Kim tại Trung tâm vì An ninh Mỹ mới cho rằng việc sử dụng cụm từ “phi hạt nhân hóa Triều Tiên” sẽ chỉ trở nên nghiêm trọng nếu Bình Nhưỡng phóng đại vấn đề này.
“Sẽ là sự thiếu khôn ngoan và đánh mất cơ hội ở phía Triều Tiên nếu họ để cụm từ mới được nhắc đến trong các tuyên bố và bình luận công khai của Mỹ trở thành rào cản trước khi tiến hành bất cứ cuộc đàm phán nào với chính quyền Tổng thống Biden”, bà Duyeon Kim nhận định ./.