Căng thẳng tiếp tục leo thang trong mối quan hệ vốn không mấy êm ả giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nga khi khối liên minh quân sự này tiến hành cuộc tập trận lớn nhất tại sườn phía Đông mang tên  Anakonda-16 tại Ba Lan, nước láng giềng của Nga.

nato1_aieu.jpeg
Cuộc tập trận Anakonda-16 chắc chắn sẽ khiến Nga “không thể ngồi yên”. (Ảnh: U.S. Army Europe)

Diễn ra ngay trước thềm cuộc họp thượng đỉnh của NATO ở Warsaw vào đầu tháng 7 tới, với quy mô lớn chưa từng có, cuộc tập trận Anakonda-16 chắc chắn sẽ khiến Nga “không thể ngồi yên”, bởi việc NATO tiến hành tập trận tại Ba Lan chẳng khác nào hành động “dương oai diễu võ” ngay sát nách Nga.

Bắt đầu được triển khai kể từ hôm qua (7/6), Anakonda-16 được xem là đợt tập dượt phòng thủ - phản công quy mô nhất từ trước đến nay, với sự tham gia của hơn 31.000 binh sĩ từ 24 quốc gia thành viên NATO và một số nước thành viên của Liên Xô cũ. Đáng chú ý, sự kiện lần này đánh dấu lần đầu tiên lực lượng bán quân sự tham dự tập trận. Đây cũng được coi là “phép thử” để kiểm tra khả năng sẵn sàng bảo vệ sườn biên giới phía Đông.

Nga xem việc NATO tiếp tục mở rộng về phía Đông là “mối đe dọa chính đối với an ninh quốc gia” và không thể không lo ngại trước những kế hoạch của khối liên minh quân sự này khi đưa quân và vũ khí quân sự đến sát sườn Nga.

Trước cuộc thao luyện mới Anakonda-16, riêng trong năm nay, đã có ít nhất 3 cuộc diễn tập được tổ chức tại Ba Lan, gần nhất là cuộc tập trận “Brilliant Jump 2016” (tạm dịch: “Cú nhảy xuất sắc 2016”) diễn ra hồi tháng 5 vừa qua, nhằm mục đích tăng cường khả năng lên kế hoạch, phối hợp hành động và triển khai lực lượng của NATO.

Mối quan hệ Nga và NATO ở trong tình trạng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” trong những năm gần đây do liên quan tới những gì Nga mô tả là “sự mở rộng về phía Đông” của khối liên minh quân sự này.

Hai bên rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay kể từ khi bùng phát cuộc khủng hoảng ở Ukraine. NATO tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Nga sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea.

Khối liên minh quân sự này cũng liên tục đổ lỗi cho Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine, đồng thời đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Litva và Estonia. Tuy nhiên Nga một mực bác bỏ cáo buộc của NATO.

Phản ứng trước các đợt triển khai vũ khí và các cuộc tập trận dồn dập với quy mô ngày càng lớn trong thời gian gần đây của NATO, việc Nga tăng cường lực lượng quân sự quy mô lớn dọc biên giới nước này là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Ngay trước khi cuộc tập trận Anakonda-16 được khai màn, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố, Nga không thể không quan ngại trước những hành động của NATO và sẽ có những phản ứng “thích hợp” đối với việc NATO gia tăng hoạt động tại Baltic.

Ông Lavrov nói: “Chúng tôi không thể không có cái nhìn tiêu cực đối với việc dịch chuyển dần các cơ sở hạ tầng quân sự của NATO gần về các biên giới của chúng tôi, đồng thời lôi kéo nhiều quốc gia khác vào hoạt động quân sự của khối này”.

Tuy nhiên ông Lavrov khẳng định rằng, Nga sẽ không bao giờ tấn công bất kỳ quốc gia nào trong NATO.

Căng thẳng nối tiếp căng thẳng, càng làm khắc sâu thêm mối bất hòa và rạn nứt giữa Nga và NATO khi hai bên vẫn "lời qua tiếng lại" và tiếp tục các đợt triển khai quân đội trên diện rộng, khiến cộng đồng quốc tế lo ngại về viễn cảnh của một cuộc chiến tranh lạnh kiểu mới./.