Ngày 21/5, Thủ tướng Ấn Độ Nerendra Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin có cuộc gặp Thượng đỉnh không chính thức đầu tiên ở thành phố Sochi của Nga. Dù nội dung thảo luận không khác nhiều so với truyền thống trao đổi chính trị cấp cao giữa hai nước, song cuộc gặp không vì thế mà giảm bớt sự chú ý của dư luận.
Mối quan hệ truyền thống được thử thách qua nhiều thăng trầm giữa Nga-Ấn Độ thời gian gần đây chịu những tác động không nhỏ khi cục diện địa-chính trị quốc tế và khu vực đang biến đổi nhanh chóng.
Thủ tướng Ấn Độ Nerendra Modi và Tổng thống Nga Putin đã gặp nhau nhiều lần trong 4 năm qua, song đây mới là lần gặp nhau không chính thức đầu tiên. Theo giới quan sát, tham vọng của hai nhà lãnh đạo thông qua cuộc gặp này là muốn vượt qua mọi rào cản về mặt nghi thức để có thể trao đổi thẳng thắn và thoải mái về những vấn đề đòi hỏi phải có sự xử lý khéo léo.
Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo nhất trí mối quan hệ Đối tác chiến lược đặc biệt và đặc quyền giữa Ấn Độ và Nga là một nhân tố quan trọng cho hòa bình và ổn định toàn cầu, đồng thời chia sẻ quan điểm rằng hai nước có vai trò quan trọng trong góp phần xây dựng một trật tự thế giới mở và bình đẳng. Lãnh đạo hai nước đã dành những ngôn từ hoa mĩ để nói về mối quan hệ Nga-Ấn Độ.
Tổng thống Nga Putin nói: “Tôi rất vui mừng được đón tiếp Thủ tướng Ấn Độ tại Sochi. Thủ tướng Nerendra Modi là người bạn lớn của đất nước Nga và chúng tôi rất vui khi có cơ hội gặp gỡ và nói chuyện với nhà lãnh đạo Ấn Độ”.
Về phần mình Thủ tướng Ấn Độ Nerendra Modi cũng bày tỏ tự hào về sự phát triển của mối quan hệ Nga-Ấn: "Chúng tôi có thể tự hào nói rằng mối quan hệ đối tác mà chúng ta dày công vun đắp đã phát triển thành một cái cây lớn. Đó là cái cây của mối quan hệ đối tác đặc quyền và chiến lược.của đặc quyền, quan hệ đối tác chiến lược".
Hai nhà lãnh đạo cũng đi sâu thảo luận các vấn đề quốc tế chủ chốt, nhất trí về tầm quan trọng của việc xây dựng một trật tự thế giới đa cực.
Thủ tướng Modi và Tổng thống Putin quyết định tăng cường tham vấn và phối hợp với nhau, bao gồm cả khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hai bên thống nhất tiếp tục hợp tác với nhau thông qua các tổ chức đa phương như Liên hợp quốc, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).
Nhận định về chuyến thăm này, truyền thông Ấn Độ cho rằng, cuộc gặp dù không chính thức, song lại có ý nghĩa quan trọng với cả hai nước. Bởi Nga và Ấn Độ được coi là đồng minh lâu năm, có quan hệ đối tác lâu đời trong các lĩnh vực an ninh, năng lượng nguyên tử... Hai bên cũng duy trì quan hệ hợp tác quân sự bền chặt, trong đó Nga là nguồn cung cấp vũ khí có chất lượng cho Ấn Độ.
Thủ tướng Ấn Độ Modi và Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì họp báo
Song mối quan hệ truyền thống này lại đang đứng trước áp lực phải thay đổi, do cục diện địa-chính trị quốc tế và khu vực đang biến đổi nhanh chóng. Dù những khác biệt giữa hai nước trước đây là không hề ít, nhưng thời gian gần đây lại xuất hiện có phần dồn dập hơn. Mà một trong những lý do chính là việc Nga đang ngày càng có xu hướng xích lại gần với Pakistan, quốc gia láng giềng song cũng là đối thủ của Ấn Độ, cũng như việc Nga công khai hối thúc Ấn Độ tham gia sáng kiến Con đường Tơ lụa mới của Trung Quốc, mà Ấn Độ gần như chắc chắn sẽ không tham gia do những vấn đề liên quan tới chủ quyền lãnh thổ.
Về mặt quốc phòng, Ấn Độ cũng đang bị đặt ở thế khó, khi vừa muốn chuyển hướng sang mua thêm nhiều vũ khí của Mỹ, song mặt khác lại vẫn muốn duy trì quan hệ bạn hàng quân sự với Nga, bởi Nga không chỉ là nguồn cung cấp vũ khí có chất lượng mà còn là đồng minh lâu năm. Một báo cáo của Ủy ban quân lực Quốc hội Mỹ mới đây cho biết, trong 3 năm qua, Ấn Độ đã ký 13 hợp đồng vũ khí với các doanh nghiệp Mỹ, với tổng giá trị lên tới 4,3 tỷ USD, trong khi chỉ có 12 hợp đồng với Nga, trị giá 1,2 tỷ USD. Tình hình này là khác hẳn so với cách nay một thập niên Ấn Độ gần như không hề mua vũ khí Mỹ. Thời điểm chuyến thăm cũng rất có ý nghĩa khi nó diễn ra vài ngày sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga, qua đó ảnh hưởng tới hợp tác quốc phòng Ấn Độ-Nga.
Dẫu vậy, theo các nhà phân tích, những thách thức toàn cầu ngày càng gia tăng đã buộc Ấn Độ phải phối hợp các chính sách của mình với Nga và Trung Quốc một cách chặt chẽ hơn nữa, nhất là khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang làm đảo lộn các nguyên tắc quản lý toàn cầu. Vì thế, cuộc gặp lần này được coi là cơ hội để Ấn Độ và Nga làm mới hợp tác chiến lược không chỉ về quốc phòng, mà cả về kinh tế./.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi