Mới đây nhất, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu Mỹ thu hồi quyết định ngừng cấp thị thực cho công dân nước này, một quyết định đưa ra giữa lúc căng thẳng gia tăng giữa hai nước liên quan đến việc các nhân viên lãnh sự quán Mỹ là người địa phương bị nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ thời gian vừa qua.
Ảnh minh họa: AP
Phát biểu với báo giới khi đang ở thăm Ukraine, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho rằng, quyết định ngừng cấp thị thực không nhập cư cho công dân nước này của Mỹ là "đáng quan ngại", đồng thời cho biết Bộ Ngoại giao nước này đã liên hệ với phía Mỹ để xem xét lại quyết định trên.
“Việc Đại sứ quán Mỹ tại Ankara đưa ra một quyết định như vậy là đáng quan ngại. Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia được điều hành bằng các quy định luật pháp. Vì thế, bất kỳ quyết định nào của Mỹ cũng sẽ có một quyết định tương tự khác đưa ra từ phía chúng tôi trên cơ sơ nguyên tắc “có qua có lại”, ông Erdogan nói.
Tuy nhiên, yêu cầu trên rất ít khả năng sẽ được hồi đáp bởi lệnh triệu tập mà cơ quan công tố Thổ Nhĩ Kỳ phát đi trước đó cùng ngày đối với một nhân viên người địa phương khác đang làm việc cho lãnh sự quán Mỹ ở Istanbul có thể làm trầm trọng hơn mối quan hệ giữa hai nước đồng minh NATO này.
Trước đó, sau khi chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ một nhân viên địa phương làm việc cho Đại sứ quán Mỹ với cáo buộc “làm gián điệp”, Chính phủ Mỹ hồi cuối tuần qua đã quyết định đình chỉ hoạt động của toàn bộ cơ quan cấp thị thực tại Thổ Nhĩ Kỳ, trừ thị thực nhập cư.
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ ngay lập tức có hành động đáp trả tương tự, song đồng thời yêu cầu Mỹ thu hồi lại quyết định cho rằng, điều này có thể dẫn tới “một sự leo thang vô nghĩa”.
Trong đoạn băng ghi hình phát đi tối 9/10, Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ John Bass dù không công khai đề cập tới vụ việc này, song khẳng định, Chính phủ Mỹ buộc phải đánh giá lại cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ đối với sự an toàn của các cơ quan và nhân viên phái bộ ngoại giao.
“Quyết định ngừng cấp thị thực không nhập cư cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ cho phép Mỹ giảm thiểu lượng khách du lịch đến đại sứ quán và cơ quan lãnh sự, trong khi chúng tôi đánh giá lại các cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ đối với sự an toàn, an ninh của các cơ quan và nhân viên ngoại giao Mỹ. Đây là lý do chúng tôi đưa ra quyết định này”, ông Bass giải thích.
Theo các nhà phân tích, đây rõ ràng là một sự xuống cấp nghiêm trọng nhất trong lịch sử mối quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc khủng hoảng quy mô tương tự xảy ra gần đây nhất là vào năm 1974 sau khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân tới khu vực phía bắc đảo Síp.
Còn lý do của cuộc khủng hoảng lần này trong quan hệ hai nước là việc một nhân viên Lãnh sự quán Mỹ hồi giữa tuần qua bị Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ với cáo buộc liên hệ với giáo sĩ Fethullah Gulen, đang sống lưu vong tại Mỹ và bị Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc là chủ mưu vụ đảo chính bất thành hồi giữa năm ngoái.
Tuy nhiên, đây chỉ là giọt nước làm tràn ly những căng thẳng giữa hai nước thời gian qua. Bởi trên thực tế, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã cho thấy bất đồng trong rất nhiều vấn đề, từ hồ sơ Syria khi Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần “trách móc” đồng minh Mỹ hỗ trợ các lực lượng người Kurd, mà nước này coi là khủng bố đến những căng thẳng liên quan việc dẫn độ giáo sĩ Fetthulah Gullen, đang sống lưu vong ở Mỹ và bị Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc đứng đằng sau âm mưu đảo chính bất thành hồi giữa năm ngoái.
Tuy nhiên một mối quan hệ đang xấu đi với phương Tây lại đồng nghĩa với một sự thay đổi lớn trong các mối quan hệ quốc tế, mà cụ thể ở đây là một sự cất cánh trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nga. Mới đây, hai nước đã đạt được một hợp đồng mua bán vũ khí giá trị, cùng với việc nhất trí hợp tác ngày càng chặt chẽ trong hồ sơ Syria.
Cú sốc trong quan hệ Mỹ- Thổ cũng đã làm nóng các thị trường chứng khoán. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, thị trường chứng khoán Istanbul kết thúc tối qua đã giảm gần 2,73%, trong khi cổ phiếu của Hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ, một động lực của nền kinh tế nước này cũng giảm gần 9%./.
Nguy cơ rạn nứt quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ vì người Kurd ở Syria