TheoReuters, tuyên bố trên của chính quyền Thái Lan được đưa ra trong bối cảnh các cuộc bạo động đã liên tục diễn ra tại khu vực có đông người Hồi giáo sinh sống và những vụ bạo động này được cho là do các phần tử ly khai tại đây gây ra.

Tuyên bố này cũng được đưa ra đúng 1 tuần sau khi bắt đầu tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo.

qdtl_khma.jpgBinh sỹ Thái Lan đứng gác trước trụ sở Quân đội Hoàng gia nước này (Ảnh Reuters)

Trước đó, chính quyền quân đội do Tướng Prayuth Chan-ocha cho biết họ sẽ tái khởi động các cuộc đàm phán nhằm đem lại hòa bình cho các tỉnh Pattani, Yala and Narathiwat.

“Tình hình tại miền Nam đang là ưu tiên hàng đầu đói với Thái Lan và Tướng Prayuth muốn áp đặt các biện pháp cứng rắn hơn cũng như những thành quả lớn hơn tại đây”, Tổng Thư ký Hội đồng An ninh và Trật tự Quốc gia Udomdet Sitabutr cho biết.

Trong khi đó, trong diễn văn hàng tuần của mình với người dân Thái Lan được phát đi ngày 4/7, ông Prayuth nhấn mạnh chính quyền quân đội muốn sử dụng các chiến lược về chính trị hơn là các chiến thuật về quân sự đối với tình hình tại miền Nam nước này.

Theo tổ chức Deep South Watch, kể từ năm 2004, các cuộc nổi dậy tại miền Nam Thái Lan do một phong trào ly khai của những người Hồi giáo tại đây đã khiến hơn 6.000 người thiệt mạng.

Việc chống lại sự cai trị của chính quyền theo đạo Phật đã tồn tại hàng chục năm qua tại Thái Lan, nhất là ở các tỉnh có đông người theo đạo Hồi sinh sống như Yala, Pattani và Narathiwat vốn là một phần của lãnh thổ nhà nước Hồi giáo Malaysia trước khi các tỉnh này  được sáp nhập vào Thái Lan năm 1992.

Trước đó, Chính phủ của Thủ tướng bị lật đổ Yingluck Shinwatra đã đàm phán với tổ chức Mặt trận Cách mạng Quốc gia (BRN). Tuy nhiên, cuộc đàm phán này nhanh chóng sụp đổ và những nỗ lực tái sinh các cuộc đàm phán nói trên đã bị trì hoãn khi mà bà Yingluck phải tập trung đối phó với người biểu tình chống Chính phủ lúc đó.

Các cuộc tấn công bạo lực đã gia tăng trong tháng Ramadan năm ngoái nhằm phản ứng lại các cuộc đàm phán hòa bình mà nhiều nhóm nổi dậy tại miền Nam không chấp thuận.

Theo Deep South Watch, các vụ bạo động tại miền Nam Thái Lan gia tăng nhanh chóng vào năm 2013 khi các cuộc đàm phán được bắt đầu. Nhiều người chỉ trích các cuộc đàm phán hòa bình cho rằng Thái Lan đã không thế xác định được ai đứng đằng sau những vụ tấn công nói trên trong khi không có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm.

Một vài người còn hoài nghi về việc chính quyền quân sự có thể còn mạnh tay hơn đối với những kẻ gây bạo động nhưng có vẻ như chính quyền Thái Lan đang tập trung vào việc hòa giải.

“Việc tiếp cận với nhau đã hoàn thành và giờ chúng ta cần nhiều hành động hơn nữa để các cuộc đàm phán có thể kéo dài”, ông Udomet nói.

Hơn 150.000 binh sỹ quân đội, cảnh sát và lực lượng dân quân địa phương đã đồn trú tại 3 tỉnh nói trên và lập ra các chốt kiểm soát dọc các con đường chính tại đây khiến cho cộng đồng Hồi giáo địa phương ngày càng mất niềm tin vào các lực lượng nói trên.

Quân đội Thái Lan cũng đã cho phép 48 đài phát thanh địa phương được quyền phát sóng trong tháng lễ Ramadan. Trước đó, chính quyền quân đội đã cấm hàng nghìn đài phát thanh độc lập được phát sóng vì họ lo ngại những đài này sẽ “truyền đi thông tin chính trị đáng ngờ” để tạo cớ nổi dậy.

Trong một vụ bạo lực mới nhất tại miền Nam Thái Lan, 2 sỹ quan cảnh sát Thái Lan đã bị triệt hạ vào tuần trước trong một cuộc tấn công bởi nhóm phiến quân gồm 10 người tại tỉnh Narathiwat./.