Ngày 30/6, báo chí Thái Lan có nhiều tin bài phản ánh sự quan tâm của chính giới và dư luận xã hội về nội dung bản Hiến pháp tạm thời dự kiến sẽ được Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia thông qua và ban hành trong tháng 7 tới.

thailan_qylb.jpg 

Quân đội Thái Lan giữ gìn an ninh trên đường phố Bangkok (Ảnh: AFP)

Theo tuyên bố của Đại tướng Prayuth, người đứng đầu Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia của Thái Lan, bản Hiến pháp tạm thời sẽ là cơ sở pháp lý để thành lập Hội đồng lập pháp quốc gia, Hội đồng cải cách và Chính phủ lâm thời, cũng như xác lập mối quan hệ giữa Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia với các cơ chế sẽ được thành lập này, để tiến hành cải cách sâu rộng và ban hành Hiến pháp mới.

Bản Hiến pháp lâm thời cũng sẽ quy định thành phần, cơ cấu cũng như chức năng, quyền hạn của các cơ chế nêu trên trong thời gian khoảng 1 năm, trước khi có tổng tuyển cử và thành lập Chính phủ mới.

Đa số dư luận chính giới và xã hội Thái Lan cho rằng, bản Hiến pháp tạm thời này có ý nghĩa rất quan trọng đối với tiến trình cải cách, cũng như đối với sự ổn định và phát triển về cả chính trị - xã hội và kinh tế của Thái Lan. Do đó, Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia đang nắm mọi quyền hành ở Thái Lan cần phải cân nhắc, thận trọng khi xem xét, ban hành bản Hiến pháp tạm thời này.

Trong đó, Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia phải đảm bảo các cơ chế thành lập mới phải có sự tham gia thực sự của các tầng lớp và nghề nghiệp trong xã hội; các nội dung, biện pháp cải cách đất nước phải phản ánh được nguyện vọng của đa số nhân dân và vì lợi ích chung của đất nước; đảm bảo công bằng, nghiêm minh về luật pháp, không dung túng, thiên vị cho phe phái nào.

Tuy nhiên, dư luận xã hội Thái Lan không khỏi lo ngại về một số thông tin liên quan đến bản Hiến pháp tạm thời này bởi Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia có thể vẫn sẽ đóng vai trò quyết định và can thiệp vào mọi cơ chế sắp được thành lập. Điều này sẽ khiến tiến trình cải cách của Thái Lan có thể bị áp đặt và không phản ánh được nguyện vọng và bảo vệ được quyền lợi của toàn thể nhân dân; do đó sẽ làm gia tăng sự phản đối của dư luận chính giới và xã hội; khiến tiến trình cải cách gặp khó khăn và không đạt được mục tiêu mà Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia đề ra.

Một số học giả Thái Lan đánh giá, trong hơn 1 tháng qua, Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia đã giải quyết được một số công việc hợp lòng dân; song Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức trong thời gian sắp tới, khi bản Hiến pháp tạm thời có hiệu lực và các cơ chế mới thành lập đi vào hoạt động.

Trong khi đó, đa số người dân Thái Lan mong muốn Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia sẽ biến hy vọng giản dị của họ trở thành hiện thực, đó là họ muốn chứng kiến Thái Lan sớm có một cuộc tổng tuyển cử công bằng, trong sạch và chính quyền bài trừ được tận gốc tệ nạn ma túy, cũng như đảm bảo cho người dân được yên ổn làm ăn, sinh sống./.