Quân đội Israel hôm 29/6 đã tấn công các mục tiêu trên dải Gaza khiến một tay súng thuộc phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine thiệt mạng sau khi rocket được phóng từ lãnh thổ Palestine nhằm vào Israel.
Phía Palestine cho biết, vụ không kích của Israel nhằm vào ít nhất 6 mục tiêu ở dải Gaza còn khiến 2 người Palestine khác bị thương. Còn theo Quân đội Israel, sáng 29/6, hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt của nước này đã đánh chặn hai quả rocket được phóng từ dải Gaza, hiện do Hamas kiểm soát.
Kể từ đầu tháng 6, các tay súng ở dải Gaza đã phóng ít nhất 62 quả rocket về phía Israel và khiến một số người bị thương.
Hồi tháng 4 vừa qua, Phong trào Hamas đã ký thỏa thuận hòa giải dân tộc với lực lượng trung thành với Tổng thống Palestine - Mahmoud Abbas mà theo đó một chính phủ đoàn kết dân tộc đã được thành lập vào đầu tháng 6 này. Tuy nhiên, động thái này vấp phải sự phản đối của Israel vì họ coi Hamas là một tổ chức khủng bố.
Cư dân Palestine kiểm tra thiệt hại sau vụ không kích của Israel vào Dải Gaza. (Ảnh: AP)
Trong một diễn biến khác, cũng trong ngày hôm qua (29/6), một quan chức cấp cao của phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine đã kêu gọi 4 Bộ trưởng trong chính phủ đoàn kết dân tộc ở dải Gaza từ chức nhằm phản đối “sự thờ ơ đối với các nhu cầu của người dân dải Gaza cũng như sự thất bại trong việc nâng cao điều kiện sống của người dân nơi đây”.
Phát biểu với báo giới, ông Yehya Mussa - một lãnh đạo của Hamas tại dải Gaza nói rằng, “các nhà lãnh đạo tại Ramallah đã không cho phép các Bộ trưởng ở dải Gaza thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của họ và giúp người dân của họ đáp ứng các nhu cầu cơ bản của cuộc sống”. Quan chức này cũng cho rằng, việc thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc không mang lại thay đổi nào cho Palestine.
Hồi đầu tháng 6, phong trào Hamas và phong trào Fatah - hai lực lượng chính trị chủ chốt của Palestine đã chấm dứt hơn 7 năm chia rẽ bằng việc thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc. Tuy nhiên, căng thẳng với Israel ngày càng gia tăng kể từ sau khi 3 sinh viên nước này bị mất tích ở Bờ Tây hôm 12/6 vừa qua.
Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng về lương cũng làm xói mòn lòng tin giữa Fatah và Hamas. Sau khi Hamas kiểm soát dải Gaza hồi năm 2007, phong trào này thuê 50 nghìn nhân viên và trả lương cho họ.
Tuy nhiên, sau khi chính phủ đoàn kết được thành lập, Hamas yêu cầu Tổng thống Mahmoud Abbas trả lương cho những nhân viên ở dải Gaza này.
Đầu tháng 6 này, Hamas đóng cửa toàn bộ ngân hàng ở dải Gaza trong 8 ngày, đồng thời cảnh báo nếu chính phủ đoàn kết không trả lương cho họ, thì sẽ tiếp tục có các hành động phản đối./.