Phát biểu bên lề Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU sau khi Ukraine được trao tư cách ứng viên, quan chức trên cho rằng EU càng áp nhiều lệnh trừng phạt thì liên minh này càng chịu tổn thất trong khi Nga vẫn có khả năng đối phó.

"Cuối cùng, châu Âu sẽ là bên thua thiệt trong cuộc chiến này do các vấn đề kinh tế. Đề xuất của chúng tôi là chúng ta nên ngăn chặn trừng phạt", ông Balazs Orban nhận định trong cuộc trả lời phỏng vấn với Reuters.

Hungary là một trong những quốc gia EU phụ thuộc lớn vào dầu mỏ và khí đốt Nga. Nga còn đang xây dựng một lò phản ứng hạt nhân cho Hungary. Budapest cũng phản đối gói trừng phạt mới nhất của EU nhằm vào Nga, trong đó có lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ cho tới khi nước này đàm phán được một lựa chọn ngoại lệ cho mình.

"Hiện nay những gì chúng ta đang trải qua là càng áp nhiều biện pháp trừng phạt thì tình hình của chúng ta ngày càng tồi tệ. Vậy còn Nga? Chúng cũng gây tổn hại cho họ nhưng họ vẫn vượt qua. Và điều tồi tệ hơn là chúng ảnh hưởng tới cả Ukraine", ông Balazs Orban cho hay.

Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, EU đã nhất trí thông qua 6 gói trừng phạt trong đó đóng băng tài sản và cấm thị thực với các quan chức và nhân vật quan trọng của Nga, kiểm soát xuất khẩu, đóng băng tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga, loại một số ngân hàng khỏi hệ thống thanh toán SWIFT cũng như cấm nhập khẩu dầu mỏ và than đá Nga.

Một số quan chức châu Âu cho rằng các biện pháp trừng phạt sẽ cần thời gian để có tác động đầy đủ lên nền kinh tế Nga.

Tuy nhiên, ông Balazs Orban cho rằng EU nên thay đổi chiến thuật của mình.

"Chúng ta đã tới thời điểm cần nhận thức về chiến lược của mình sau 4 tháng. Chúng ta đã đạt được một số thành quả nhưng nếu tiếp tục như vậy, châu Âu sẽ đối mặt với kết cục tồi tệ. Vì thế, chúng ta phải nghĩ về một số điều như đàm phán, lệnh ngừng bắn, hòa bình, ngoại giao. Đó là giải pháp của chúng tôi"./.