Pháp và Đức hôm 24/5 kêu gọi các nước thành viên Liên minh châu Âu thông qua một lập trường chung về khả năng sửa đổi lệnh cấm vận vũ khí tới Syria nhằm gây sức ép lên chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Hành động này của các nước phương Tây có thể làm phức tạp thêm kế hoạch hòa bình của  Nga và Mỹ về Syria, vốn được trông đợi giúp tìm ra một giải pháp chấm dứt bạo lực kéo dài hơn 2 năm qua tại quốc gia Trung Đông này.

Phát biểu tại cuộc họp báo với Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tại Paris, Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle kêu gọi các nước thành viên Liên minh châu Âu thông qua một lập trường chung về khả năng sửa đổi lệnh cấm vận vũ khí tới Syria. Ngoại trưởng Đức cho rằng, sự bất đồng giữa các nước  Liên minh châu Âu về Syria có thể tạo lợi thế cho Tổng thống Assad.

phien%20quan%20syria%20phia%20truoc%201%20ong%20dau%20chay%20o%20thanh%20pho%20homs.jpg
Một phiến quân Syria đứng trước đường ống dẫn dầu bốc cháy ở thành phố Homs (ảnh: PressTV)

“Điều quan trọng hiện nay đó là chúng ta cần phải có một lập trường chung của Liên minh châu Âu, bởi vì sẽ không có gì tồi tệ hơn việc gửi đi những dấu hiệu không đồng thuận của Liên minh châu Âu về Syria,” ông Westerwelle nói. “Tôi nghĩ đây là điều mà Tổng thống Syria mong muốn và chúng ta không nên để nó xảy ra trong bất cứ hoàn  cảnh nào”.

Anh gần đây cũng cảnh báo chính phủ của Tổng thống Assad về khả năng vũ trang cho lực lượng đối lập Syria, đồng thời hối thúc Liên minh châu Âu thay đổi lệnh cấm vận vũ khí với Syria.

Những động thái này của các nước phương Tây có thể làm phức tạp thêm nỗ lực của Nga và Mỹ trong việc thuyết phục lực lượng đối lập Syria ngồi vào bàn đàm phán mà không kèm theo điều kiện tiên quyết, cũng như tăng lợi thế cho lực lượng đối lập trong các cuộc đàm phán.  

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich chỉ trích những hành động quốc tế có thể gây phản tác dụng cho những nỗ lực theo đuổi hòa bình trong khu vực.

Ông Lukashevich nói: “Những nỗ lực này là dấu hiệu không tốt, dễ khiến cho lực lượng đối lập Syria bác bỏ đàm phán. Chắc chắn sự khởi đầu thành công của hội nghị quốc tế về Syria rất cần có sự tác động của tất các bên. Tuy nhiên, nhiệm vụ chính và khẩn cấp đó là kêu gọi lực lượng đối lập tham gia đối thoại mà không kèm theo điều kiện tiên quyết nào”.

Phía Nga hôm 24/5 cũng thông báo, chính phủ Syria đã nhất trí trên nguyên tắc tham dự hội nghị hòa bình quốc tế do Nga và Mỹ đề xuất dự kiến diễn ra tháng 6 tới tại Geneva.

Tuy nhiên, đến thời điểm này lực lượng đối lập Syria vẫn chưa chính thức xác nhận tham dự hội nghị.

Lực lượng đối lập Syria cũng bày tỏ hoài nghi về thiện chí của chính phủ Syria tham gia đối thoại, đồng thời cho biết  cần thêm thông tin chi tiết và quan trọng nhất là một lời mời chính thức từ Liên hợp quốc trước khi ra quyết định cuối cùng về việc có tham gia hội nghị tại Geneva hay không.

Một quan chức của Liên minh đối lập Syria cho biết, lực lượng này có thể tham dự hội nghị Geneva, nhưng bày tỏ không tin tưởng về việc có thể đạt được sự đồng thuận tại hội nghị.

Dự kiến Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov sẽ có cuộc gặp riêng tại Pháp vào đầu tuần tới để thảo luận về nỗ lực của hai nước nhằm đưa các bên liên quan trong cuộc nội chiến ở Syria tới tham dự hội nghị hòa bình quốc tế về Syria./.