>> 
Chuyên gia Nga và Ba Lan tiếp tục nghiên cứu hộp đen máy bay bị nạn
>> 
Nga: Quốc tang tưởng niệm nạn nhân vụ tai nạn máy bay tại Smolensk

Tai nạn máy bay hôm 10/4 vừa qua tại Smolensk làm 96 người chết, trong đó có Tổng thống Ba Lan và phu nhân cùng  nhiều nhân vật cao cấp chính phủ và quân đội. Công tác điều tra đang được tiến hành khẩn trương. Hiện vẫn có nhiều giả thuyết về nguyên nhân tai nạn.

cr5.jpg
Chiếc máy bay đã cố hạ cánh 4 lần nhưng không thành trong điều kiện thời tiết mù sương. (Ảnh: Internet)

Theo tờ Gazeta Wyborcza của Ba Lan thì bộ phận điều khiển không lưu tại Smolensk đã đề nghị phi công chuyển hướng tới thủ đô Minsk của Belarus do sương mù dày đặc. Hãng tin Interfax của Nga dẫn lời Phó tham mưu trưởng không quân Nga Alyoshin cho rằng, phi công lái chiếc Tu-154 phớt lờ một số chỉ dẫn của đài không lưu. Nhiều ý kiến cho rằng, chiếc chuyên cơ chở phái đoàn Ba Lan đã quá cũ, có tuổi đời khoảng 20 năm tính đến lúc gặp nạn. Tuy nhiên, Tổng giám đốc Nhà máy bảo trì Aviakor của Nga Gusev nói rằng, chiếc máy bay gặp nạn đã được nâng cấp toàn bộ vào tháng 12/2009. Hãng tin Nga RIA-Novosti dẫn lời các nhà điều tra Nga cũng khẳng định, máy bay không gặp bất cứ sự cố kỹ thuật nào khi bị rơi. Các đoạn ghi âm thu được từ hộp đen cũng chứng minh phi công đã được cảnh báo không nên hạ cánh ở sân bay Smolensk.

Thư ký báo chí của lực lượng không quân Ba Lan Martin Rogus khi trao đổi với báo “Sự thật Comsomon” của Nga truyên bố: “Chỉ có phi công mới quyết định là phải bay đi đâu, thậm chí ngay cả khi trên máy bay có Tổng thống”. Báo “Sự thật Comsomon”, khi đề cập “thảm hoạ Smolensk” cho rằng, không nên vội vàng quy trách nhiệm cho tổ lái.

Tờ “Tin mới” của Nga nêu rõ: Chỉ phi công chất lượng cao mới được giao phụ trách các chuyến bay chuyên cơ, nhưng cũng không có nghĩa, tất cả mọi việc chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào họ. Trên chuyến máy bay bị nạn này còn có một nhân vật quan trọng là Tổng thống Lech Kaczynski. Ông Lech Kaczynski có thể không muốn có hành trình ngoài kế hoạch đến Moscow hay Belarus. Cũng có thể phi công phải thực hiện lệnh của Tư lệnh không quân Ba Lan, Tướng Andrzej Blasik, cũng có mặt trên máy bay. Tổng thống Lech Kaczynski  thì yêu cầu hạ cánh tại Smolensk.

Vào tháng 8/2008, Tổng thống Ba Lan Lech Kaczynski bay đến thủ đô Tbilisi của Gruzia. Do điều kiện thời tiết xấu, phi công buộc phải hạ cánh xuống thủ đô Baku của Azerbaijan. Đoàn đại biểu Ba Lan sau đó phải đến Tbilisi bằng đường bộ. Khi đó Tổng thống ba Lan đã rất phật ý và kỷ luật các phi công. Cũng không loại trừ khả năng lần này các phi công do lo sợ đã phải tuân thủ.

Báo “Báo Nga” dưới tiêu đề “Thảm hoạ Smolensk - Nỗi đau chung của chúng ta” trích dẫn lời người đứng đầu Cơ quan tình trạng khẩn cấp Liên bang Nga Soigu bác bỏ thông tin cho rằng, đường băng hạ cánh không đủ độ dài khiến máy bay gặp nạn. Ông Soigu cũng tuyên bố: Sân bay Smolensk có thể tiếp nhận mọi loại máy bay khác nhau.

Báo “Thương nhân” của Nga viết về việc Thủ tướng Nga gặp Thủ tướng Ba Lan tại hiện trường vụ tai nạn như thế nào, tiến trình điều tra nguyên nhân tai nạn và công tác khắc phục hậu quả. Báo “Nhezaviximaia Gazeta”, báo “Lao động” thì đề cập ảnh hưởng của thảm hoạ tới đường lối chính sách đối ngoại của Ba Lan./.