Nhiều quốc gia trên thế giới đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên, sau khi Triều Tiên tuyên bố thử thành công tên lửa tầm trung có tầm bắn hơn 500km hôm 21/5.
Điều mà dư luận khu vực và quốc tế quan tâm hiện nay đó là hướng đi nào cho vấn đề phi hạt nhân hóa tại khu vực, trong bối cảnh chính quyền của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhiều lần tuyên bố sẽ tăng cường khả năng răn đe hạt nhân, coi đây là biện pháp phòng vệ trước các mối đe dọa từ bên ngoài.
Phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên là một trong những chủ đề quan trọng được thảo luận tại cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Phó thủ tướng Đức Segma Gabriel đang ở thăm Bắc Kinh.
Trong bài phát biểu của mình, Ngoại trưởng Vương Nghị một lần nữa khẳng định, Trung Quốc phản đối chương trình phát triển hạt nhân của Triều Tiên và sẽ phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan để giải quyết vấn đề.
“Khi giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, điều đầu tiên là chúng ta phải tuân thủ các nguyên tắc của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Mà nguyên tắc đầu tiên và quan trọng nhất là phi hạt nhân hóa trên bán đảo này.
Chúng tôi phản đối những động thái của Triều Tiên vừa qua về vấn đề chương trình hạt nhân và cam kết nỗ lực hết mình phối hợp Hội đồng bảo an để giải quyết vấn đề trên”, ông Vương Nghị nói.
Ngoại trưởng Vương Nghị cũng cho rằng, các quốc gia có liên quan và cộng đồng quốc tế phải luôn ý thức được lợi ích và tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Không quốc gia nào có quyền đẩy khu vực này vào cuộc xung đột vũ trang bởi đó là thảm họa không chỉ của khu vực mà cả thế giới.
Thực tế, từ nhiều tháng nay, Trung Quốc đang thúc đẩy một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ngoai giao trên bán đảo Triều Tiên, theo đó Triều Tiên sẽ tạm ngừng chương trình hạt nhân và đạn đảo của mình, để đổi lại Mỹ và Hàn Quốc cũng tạm ngừng các cuộc tập trận quân sự hàng năm, hay còn gọi là giải pháp “tạm ngừng đổi lấy tạm ngừng”.
Cùng với đó, nước này cũng đang kêu gọi các bên nối lại đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của Triều Tiên bị ngưng trệ từ năm 2009, với sự tham gia của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc và Triều Tiên. Song những đề xuất này tới nay đều bị Mỹ bác bỏ.
Trong lúc các giải pháp ngoại giao cho vấn đề Triều Tiên đều bị lâm vào bế tắc, tháng 4 vừa qua, Mỹ và Hàn Quốc đã bắt đầu triển khai hệ thống phóng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc, coi đây là giải pháp hữu hiệu để đối phó với tham vọng hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc lại coi đây là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh của mình.
Đô đốc Hải quân Nhật Bản Katsutoshi Kawano mới đây thừa nhận bước tiến trong chương trình phát triển tên lửa của Triều Tiên, đồng thời hối thúc các quốc gia Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc hợp tác chặt chẽ với nhau để tìm ra những phương án giải quyết hữu hiệu.
Hiện, Nhật Bản đang cân nhắc đến triển khai hệ thống tên lửa đánh chặn SM-3Blok IIA, nâng cấp tàu chiến Aegis và hệ thống tên lửa phòng thủ Patriot Pac-3.
Ông Nobuyasu Abe, Ủy viên Ủy ban an toàn Hạt nhân Nhật Bản, thì cho rằng: “Một số quan điểm cho rằng họ đã thành công trong việc sản xuất bom và tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, một số quan điểm khẳng định là chưa. Nhưng khả năng họ sẽ đạt được mục tiêu trên. Do đó, theo tôi các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ phải thận trọng và tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin”.
Cùng với việc hối thúc cộng đồng quốc tế gia tăng sức ép với Triều Tiên, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang tìm kiếm các biện pháp tăng cường khả năng phòng vệ, nhằm đảm bảo an ninh đất nước trước bất kỳ mối nguy cơ nào.
Tuy nhiên, tới nay những biện pháp này đều chưa mang lại hiệu quả. Và theo các nhà phân tích, mục tiêu phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên sẽ chưa thể đạt được chừng nào các bên không chịu từ bỏ các lợi ích và tham vọng riêng của mình để ngồi vào bàn đàm phán./.
Tiếp tục phóng tên lửa đạn đạo, Triều Tiên muốn gửi thông điệp gì?