Phe đối lập tại Syria ngày 18/4 đã rút khỏi “các cuộc hòa đàm chính thức” tại Geneva (Thụy Sĩ), với lý do để phản đối tình trạng an ninh và nhân đạo xuống cấp trên thực địa. Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura cũng đã xác nhận thông tin khi thừa nhận, các cuộc hòa đàm đang lâm vào bế tắc.

Trong tuyên bố phát đi ngày 18/4, đại diện phe đối lập Riad Hijab, cho rằng, không thể chấp nhận khi tiếp tục đàm phán tại Geneva khi tình trạng bạo lực vẫn tiếp diễn bất chấp lệnh ngừng bắn đạt được. Vì thế, phe đối lập đã quyết định rút khỏi đàm phán chính thức để phản đối tình trạng an ninh và nhân đạo xuống cấp ở Syria. 

syria_0650_xfrn.jpg
Phe đối lập đã quyết định rút khỏi đàm phán chính thức để phản đối tình trạng an ninh và nhân đạo xuống cấp ở Syria. (hình minh họa: AFP).

Tuy nhiên, theo đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura, dù rút khỏi bàn đàm phán chính thức, song Ủy ban đàm phán cấp cao, tập hợp các phe nhóm đối lập chính tại Syria sẽ vẫn ở lại Geneva để tiếp tục các cuộc đàm phán kỹ thuật, nhưng không phải là ở trụ sở Liên Hợp Quốc.

Phản ứng trước quyết định của phe đối lập, chính phủ Syria chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ, Israel và Saudi Arabia đứng đằng sau sự đổ vỡ này. Theo Đại diện chính phủ Syria Bashar Jaafari, lực lượng đối lập đã không đợi quá 2 ngày để làm cho đàm phán thất bại và đây là minh chứng cho thấy, những người tham gia đàm phán không có đủ ý chí chính trị để đàm phán có thể diễn ra nghiêm túc và có trách nhiệm.

Vòng đàm phán mới về hòa bình Syria được nối lại từ tuần trước ở Geneva, sau gần 1 tháng tạm nghỉ và gần 2 tháng kể từ khi vòng đàm phán đầu tiên bị đổ vỡ mà nguyên nhân chính cũng là do phe đối lập rút khỏi bàn thảo luận để phản đối tình trạng bạo lực tiếp diễn trên thực địa.

Tới nay, các bên liên quan vẫn chưa thể đàm phán trực tiếp, mà chỉ thảo luận dưới hình thức gián tiếp, thông qua Liên Hợp Quốc. Đặc phái viên Liên Hợp Quốc Staffan de Mistura đã thừa nhận, khoảng cách giữa các bên là quá lớn, song vẫn lạc quan cho rằng, đối với cuộc xung đột kéo dài 5 năm, một tiến trình chính trị là không thể chỉ trong vòng một tuần. 

Ông Mistura đồng thời hoan nghênh việc chính phủ và phe đối lập Syria đã đạt được thỏa thuận về xây dựng một tiến trình chuyển giao chính trị, dù hiện vẫn còn sự khác biệt lớn liên  quan tới việc diễn giải thỏa thuận, đặc biệt là về vai trò của Tổng thống Al-Assad. 

“Cả chính phủ và phe đối lập Syria đều tỏ ra không khoan nhượng trên bàn đàm phán khi tiếp tục giữ nguyên lập trường của mình. Song điều đáng mừng là cả hai đã đồng ý nói chuyện về tiến trình chuyển giao chính trị, bởi họ hiểu rằng ở một  thời điểm nào đó, đàm phán cần phải đi vào chi tiết. Dù bất đồng chính nằm ở những chi tiết này, song giải pháp cũng nằm ở đây”, ông Mistura nói. 

Như một minh chứng nữa cho thấy, tình hình Syria đang ngày càng trở nên đáng báo động, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama, hai nước bảo trợ cho các cuộc đàm phán tại Geneva ngày 18/4 đã có cuộc điện đàm.

Dù vẫn còn những khác biệt về lập trường liên quan tới vai trò của mỗi nước trong cuộc xung đột hiện nay tại Syria, song cả Nga và Mỹ đều nhất trí  kêu gọi tăng cường lệnh ngừng bắn và hỗ trợ nhân đạo tại Syria.

Người phát ngôn Nhà trắng Josh Earnest nói: “Tại cuộc điện đàm, Tổng thống Barack Obama đã một lần nữa yêu cầu Nga sử dụng ảnh hưởng của mình với chính quyền Syria để buộc họ phải tôn trọng lệnh ngừng bắn, chấm dứt mọi hành vi thù địch. Thật đáng tiếc những gì chúng ta thấy hiện nay là lệnh ngừng bắn đạt được khá mong manh và đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ do tình trạng bạo lực tiếp diễn”.

Câu hỏi đang đặt ra lúc này là, thế nào là “đàm phán chính thức” và “đàm phán không chính thức” và liệu “đàm phán không chính thức” có diễn ra hay không? Đây cũng là điều mà tất cả người dân Syria mong chờ để có thể chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hiện nay./.