Hành tinh này, theo báo cáo, là một trong 3 hành tinh quay xung quanh ngôi sao lùn đỏ Wolf 1061 trong chòm sao Ophiuchus. “Người anh em” Trái Đất được các nhà khoa học gọi tên là Wolf 1061c (Sói 1061c).

Tiến sĩ Duncan Wright đến từ Đại học New South Wales cho biết: “Quỹ đạo của hành tinh Wolf 1061c nằm bên trong vùng “Goldilocks”- vùng thích hợp để nước có thể tồn tại dưới dạng lỏng và sự sống có thể tồn tại”. 

sao_lun_do_ymsg.jpg
Các hành tinh quay xung quanh một ngôi sao lùn đỏ. (ảnh: NASA).

Phát hiện ra Wolf 1061c đặc biệt thú vị bởi vì sao lùn đỏ Wolf 1061 khá yên tĩnh trong khi những sao lùn đỏ khác thường xuyên phát ra những vụ nổ tia X. Việc một sao lùn đỏ ít hoạt động là điều kiện cần để cuộc sống có thể tồn tại trên các hành tinh quay xung quanh nó.

Sao lùn đỏ Wolf 1061 có khối lượng bằng 1/4 so với Mặt Trời và nhiệt độ bề mặt khoảng 3.100 độ C, bằng một nửa so với Mặt Trời. 

3 hành tinh được phát hiện thấy quay quanh Wolf 1061 đều có bề mặt đá. Hành tinh thứ nhất có quỹ đạo là 5 ngày, hành tinh thứ 2 có quỹ đạo 18 ngày, và hành tinh thứ 3- hành tinh được nhận xét “giống Trái Đất”- Wolf 1061c có quỹ đạo 67 ngày.

“Thật tuyệt vời khi nhìn vào khoảng không rộng lớn ngoài kia và nghĩ rằng có một ngôi sao rất gần với chúng ta và sở hữu một hành tinh có sự sống”, tiến sỹ Wright cho biết.

Hiện có khoảng 100 tỷ ngôi sao trong dải Ngân hà và ít nhất một nửa trong số chúng là sao lùn đỏ. Nhờ vào kính viễn vọng không gian Kepler, chúng ta biết rằng khoảng một nửa trong số những ngôi sao lùn đỏ có các hệ hành tinh quanh xung quanh chúng./.