Ngày 8/9, Chính quyền Pháp cho biết cuộc đối thoại cấp cao giữa các Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao nước này với những người đồng cấp Nga dự kiến diễn ra vào tuần tới tại Moscow sẽ bị tạm hoãn do những căng thẳng giữa Nga và phương Tây trong những ngày qua liên quan đến vụ nhân vật chính trị đối lập tại Nga Alexei Navalny bị cho là bị đầu độc.

Trong thông báo chính thức được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp đưa ra trong chiều ngày 8/9, phía Pháp cho biết, dựa trên tình hình hiện nay và sau khi đã trao đổi với phía Nga, hai bên thống nhất sẽ dời phiên đối thoại cấp cao dự kiến diễn ra vào ngày 14/9 tại Moscow sang một thời điểm khác.

Đây là phiên đối thoại cấp cao theo hình thức 2+2, giữa các Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng hai nước. Hình thức đối thoại này được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Nga Vladimir Putin thống nhất đưa ra từ tháng 8/2019, trong một nỗ lực tái khởi động lại mối quan hệ chiến lược giữa Nga với các nước phương Tây.

Việc tạm hoãn phiên đối thoại này được xem là một bước leo thang căng thẳng mới Nga và các nước phương Tây sau khi hai bên bất đồng trong vụ việc nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny bị cho là bị đầu độc.

Cuối tuần qua, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cùng Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã cùng ra tuyên bố yêu cầu Nga phải giải thích rõ ràng và nhanh chóng vụ việc, nếu không sẽ phải đối mặt với các trừng phạt mới từ phương Tây.

Hiện tại, sức ép phải trừng phạt Nga đang gia tăng tại Đức, nước đã tiếp nhận và điều trị cho nhân vật đối lập Nga, Alexei Navalny. Tâm điểm tranh luận tại Đức hiện nay là về dự án đường dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc 2” mà Nga và Đức hợp tác xây dựng. Nhiều chính trị gia Đức đã lên tiếng yêu cầu chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel hủy bỏ dự án này để trừng phạt Nga.

Ngoại trưởng Pháp, Jean-Yves Le Drian cũng cho biết: “Tôi thấy rằng, chủ đề về đường dẫn khí đốt này đang là câu chuyện được tranh luận tại Đức. Về phần nước Pháp, Tổng thống Macron cũng từng nhiều lần đặt ra các câu hỏi về dự án này vì có những lí do sâu xa liên quan đến sự độc lập của châu Âu về mặt năng lượng. Điều này rõ ràng là đặt ra nhiều vấn đề”.

Trong phát biểu đầu tuần này, người phát ngôn chính phủ Đức Steffen Seibert cho biết chính phủ Đức không loại trừ bất cứ phương án trừng phạt nào. Tuy nhiên, báo chí Đức đưa tin, trong cuộc họp nội các ngày 8/9, Thủ tướng Angela Merkel và Bộ trưởng Kinh tế Đức, Peter Altmeier đã nghiêng về việc tiếp tục duy trì dự án “Dòng chảy phương Bắc 2”, vốn đã hoàn thành được 90% và dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ đầu năm 2021.

Phát biểu trên báo Đức, ông Peter Altmeier cho rằng trừng phạt không thể làm thay đổi hành vi của Nga. Dù vậy, chính phủ Đức cho biết vẫn đang tiếp tục trao đổi với các nước châu Âu khác và sẽ chờ đợi câu trả lời từ phía Nga để đưa ra phản ứng tiếp theo./.