Phát biểu sau cuộc họp Hồi đồng Bộ trưởng, người phát ngôn chính phủ Pháp ông Gabriel Attal cho biết số ca mắc mới tiếp tục chiều hướng suy giảm, trung bình chỉ còn hơn 4.000 ca/ngày kể từ đầu tháng 10; tại 83/101 tỉnh thành của Pháp, tỷ lệ lây nhiễm cũng đã xuống dưới ngưỡng báo động 50 ca/100.000 dân; học sinh tiểu học tại 68 địa phương ở Pháp không phải đeo khẩu trang tới trường. Chiến dịch tiêm phòng ngừa Covid-19 cũng đã đạt kết quả tích cực với hơn 50 triệu người Pháp đã được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine.
Tuy nhiên, người phát ngôn chính phủ Pháp cảnh báo, dịch bệnh vẫn chưa hoàn toàn kết thúc. Để đảm bảo an toàn và giúp cuộc sống sớm trở lại bình trường, Hội đồng Bộ trưởng Pháp đã thông qua Dự luật đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng biện pháp kiểm tra giấy thông hành y tế đến 31/7/2022, bên cạnh việc sẵn sàng kích hoạt các quy định phòng dịch khác trước khả năng đột biến của virus SARS-CoV-2 và tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến căng thẳng.
“Tại nhiều quốc gia trên thế giới, virus này vẫn còn hoạt động rất mạnh. Vì vậy, nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh là không thể xem nhẹ. Mùa Đông là thời điểm thích hợp cho khả năng này. Có thể sẽ xuất hiện thêm những biến thể mới và có khả năng nằm ngoài kiểm soát của hệ miễn dịch. Vì vậy, Pháp sẽ cần phải đề phòng cho đến mùa hè sang năm”, ông Gabriel Attal nói.
Hội đồng khoa học Pháp trước đó đã đề xuất chính phủ kéo dài thời hạn kiểm tra giấy thông hành y tế cho đến hết mùa Đông.
Trong một diễn biến khác, Thượng viện Pháp do cánh hữu đối lập nắm quyền kiểm soát đã bác một dự luật về việc bắt buộc công dân Pháp phải tham gia tiêm vaccine ngừa Covid-19. Theo ước tính của Bộ Y tế Pháp, hiện vẫn còn 7,4 triệu người Pháp đủ điều kiện tiêm chủng vẫn chưa đồng ý tiêm vaccine ngừa Covid-19, đáng chú ý trong đó có 560.000 người trên 80 tuổi.
Bộ Y tế Pháp mới đây cũng cho biết, 15.000 nhân viên chăm sóc trong ngành y tế đã bị đình chỉ công việc vì phản đối sắc lệnh của chính phủ liên quan đến việc bắt buộc tiêm vaccine ngừa Covid-19; đồng thời dự tính khả năng sẽ có khoảng 0,6% tổng số nhân viên trong ngành này có thể phải tạm thời nghỉ việc./.