Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 31/5 có bài phát biểu trên truyền hình đề cập tới chính sách đối ngoại của Pháp, đặc biệt trong đó đề cập khả năng can thiệp quân sự vào Libya nhằm truy quét các tay súng khủng bố. 

Tại cuộc phỏng vấn kênh truyền hình Pháp France 24, Tổng thống Pháp Hollande đề cập nhiều vấn đề quốc tế lớn hiện nay, đặc biệt là chiến dịch can thiệp quân sự của Pháp tại Mali và hoạt động khủng bố tại Libya.

Liên quan tới chiến dịch can thiệp quân sự tại Mali, Tổng thống Pháp Hollande khẳng định phần lớn quân khủng bố ở miền Bắc Mali đã bị loại khỏi vòng chiến và Pháp đang hỗ trợ chính quyền Mali để tổ chức các cuộc bầu cử thành công dự kiến vào cuối tháng 7 tới.

“Mục tiêu duy nhất của chiến dịch Serval là giúp Mali giành lại sự toàn vẹn lãnh thổ, đấu tranh với những kẻ khủng bố. Mục tiêu này đã đạt được. Về mặt quân sự cũng như thực tế, hiện nay hầu như không còn khu vực nào tại Mali nằm trong tay những kẻ khủng bố”, ông Hollande nhấn mạnh.

Đặc biệt, liên quan tới nguy cơ khủng bố tại châu Phi, ông chủ điện Elysee thừa nhận các nhóm khủng bố đang lập căn cứ địa tại miền Nam Libya và cho rằng, có khả năng, chúng đứng đằng sau các vụ tấn công đẫm máu tại Niger ngày 23/5 vừa qua.

Theo ông Hollande, một chiến dịch quân sự có thể được tiến hành trong sa mạc Libya, nhưng Pháp không muốn can thiệp một mình và hy vọng nhận được sự hỗ trợ của các đối tác phương Tây.

Ông Hollande nêu rõ: “Hiện có những kẻ khủng bố đang lẩn trốn tại khu vực miền Nam Libya. Còn nhớ cách đây 2 năm, chúng ta đã tiến hành một cuộc can thiệp hợp pháp nhằm mang lại hòa bình và ổn định cho Libya. Chúng ta đã làm tất cả để giúp người dân Libya giành được nền dân chủ. Tuy nhiên các nhóm khủng bố vẫn đang tồn tại ở miền Nam Libya và đang mở rộng hoạt động sang châu Phi, đặc biệt là Tây Phi”.

Theo các nhà phân tích, phát biểu của ông Hollande về khả năng một cuộc can thiệp quân sự tiếp theo vào Libya không chỉ nhằm truy quét các nhóm khủng bố, mà còn có ý nghĩa quyết định đối với vai trò của Pháp ở châu Phi, một châu lục giàu tiềm năng cả về kinh tế và chính trị.

Trước đó, quyết định can thiệp quân sự của Pháp vào Mali được xem là mạo hiểm, song thực tế cho thấy nó lại là cơ hội cho Pháp đạt được một chỗ đứng vững chắc và phát huy ảnh hưởng tại quốc gia Tây Phi này. Vì thế, là dễ hiểu khi thời gian gần đây, Pháp tăng cường phạm vi, tần xuất và tính chất can dự vào châu  lục này. Song hành động của Pháp cũng dự báo một giai đoạn mới nhiều biến động trong cuộc cạnh tranh và xung đột địa - chính trị tại lục địa đen./.