Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm qua (04/7) đã phải tiến hành cải tổ nội các lần thứ hai trong hơn 1 tháng, sau khi một số Bộ trưởng thất cử hoặc dính tai tiếng phải ra đi, đồng thời cũng nhằm tạo khởi đầu mới được dự báo khó khăn sau khi liên minh của ông không thể giành đa số tuyệt đối tại cuộc bầu cử Quốc hội Pháp vừa qua.

Chính phủ mới tại Pháp sẽ được mở rộng từ 28 lên 42 thành viên gồm 32 bộ trưởng và 10 Quốc vụ khanh do nữ Thủ tướng Elisabeth Borne đứng đầu. Những vị trí quan trọng như Bộ trưởng Ngoại giao, Quân đội, Nội vụ, Kinh tế hay Giáo dục vẫn được giữ nguyên.

Các thay đổi đáng chú ý diễn ra ở Bộ Y tế và Bộ Chuyển đổi sinh thái khi những người đứng đầu hai Bộ này là các bà Brigitte Bourguignon và Amélie de Monchalin đã thất cử trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 19/6. Bộ trưởng Y tế mới sẽ là ông François Braun và Bộ trưởng Chuyển đổi sinh thái mới là ông Christophe Béchu. 

Chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ Pháp Jean-Christophe Combe được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Đoàn kết và Gắn kết xã hội thay thế người tiền nhiệm Damien Abad đang bị điều tra.

Một sự thay đổi bất đắc dĩ khác là vị trí Bộ trưởng Hải ngoại của bà Yael Braun Pivet, người mới được bầu làm Chủ tịch Quốc hội Pháp, được thay thế bởi cựu tỉnh trưởng Guadeloupe, ông Jean François Carenco.

Phản ứng trước động thái trên, các lực lượng chính trị đối lập lớn tại Pháp là đảng cực hữu “Tập hợp Quốc gia” (RN) cho rằng Tổng thống Emmanuel Macron đang phớt lờ nguyện vọng của cử tri Pháp về một chính phủ đoàn kết dân tộc, trong khi đảng cực tả “Nước Pháp bất khuất” (LFI) đánh giá thành phần chính phủ mới vẫn bó hẹp với các gương mặt cũ từ nhiệm kỳ trước. Các nhà phân tích địa bàn nhận định chính phủ mới vẫn chủ yếu là các nhà kỹ trị mà thiếu đi các gương mặt chính trị nổi bật.

Thử thách đầu tiên dành cho nội các mới sẽ diễn ra vào ngày mai (6/7) khi Thủ tướng Elisabeth Borne có bài phát biểu công bố các chính sách mới trước Quốc hội. Nữ Thủ tướng Pháp đang chịu sức ép lớn khi phe đối lập liên tục kêu gọi tổ chức một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm.

Theo các số liệu mới được công bố, liên minh của Tổng thống Emmanuel Macron nắm giữ tổng cộng 250/577 ghế tại Quốc hội Pháp. Do không còn đa số áp đảo như nhiệm kỳ trước, ông Emmanuel Macron sẽ gặp nhiều khó khăn trong điều hành đất nước và buộc phải thương lượng với các nhóm nghị sĩ trước khi công bố các chính sách quan trọng.   

Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn mới của Chính phủ Pháp, ông Olivier Véran cho biết chính phủ mới sẽ tìm kiếm sự đồng thuận trong từng vấn đề và bác bỏ khả năng lấy phiếu tín nhiệm đối với Thủ tướng Elisabeth Borne: “Thủ tướng sẽ không đề xuất một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm và sẽ tìm kiếm điều đó qua từng dự luật. Chúng tôi vẫn là đảng duy nhất có khả năng xây dựng được liên minh đa số tại Quốc hội. Chúng tôi sẽ nỗ lực qua từng dự luật và sẵn sàng hợp tác với các lực lượng đối lập nếu họ có tinh thần xây dựng và mong muốn cải tổ đất nước”./.