Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho rằng, việc thực hiện thỏa thuận hạt nhân là một chiến thắng vẻ vang cho quốc gia Hồi giáo này. Ông cũng bày tỏ hy vọng về một năm thịnh vượng với Iran sau khi các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho rằng, việc thực hiện thỏa thuận hạt nhân là một chiến thắng vẻ vang cho quốc gia Hồi giáo này. (ảnh: AFP). |
Ngoại trưởng Anh Philip Hammond ngay lập tức hoan nghênh Ngày thực hiện thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc. Theo ông Hammond, đây là một bước tiến quan trọng, giúp thế giới yên bình hơn.
Anh là một trong 6 cường quốc tham gia vào đàm phán và tiến đến một thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran. Theo như đánh giá của Ngoại trưởng Anh, những năm kiên nhẫn và nỗ lực ngoại giao đã mang lại kết quả.
Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini cũng khẳng định ý nghĩa của việc thực hiện thỏa thuận này: “Tất cả các bên đều khẳng định rằng thỏa thuận này công bằng và chắc chắn, đáp ứng tất cả các yêu cầu. Việc thực hiện thỏa thuận sẽ là một yếu tố quan trọng cải thiện hòa bình quốc tế và khu vực, đảm bảo ổn định và an ninh”.
“Các bước tiến này cũng thể hiện rõ ý nguyện chính trị, sự kiên nhẫn và nỗ lực ngoại giao đa phương để có thể giải quyết những vấn đề khó khăn nhất, tìm ra các giải pháp thực tế và hiệu quả nhất. Đây là thông điệp mạnh mẽ và tích cực rằng, cộng đồng quốc tế phải tiếp tục nỗ lực giúp cho thế giới an toàn hơn”, bà Federica Mogherini nhấn mạnh.
Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 16/1 cảnh báo, Iran vẫn đang tìm cách đạt được khả năng hạt nhân quân sự bất chấp thỏa thuận được thực hiện. Theo ông Netanyahu, Iran sẽ không từ bỏ tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân và tiếp tục hành động gây bất ổn Trung Đông trong khi vi phạm các cam kết quốc tế.
Thủ tướng Netanyahu cũng khẳng định, Israel sẽ theo dõi việc thực hiện thỏa thuận và cảnh báo bất cứ sự vi phạm nào. Ông Netanyahu cũng hối thúc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế giám sát chặt chẽ các địa điểm hạt nhân của Iran để đảm bảo rằng nước này không tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân./.