Hôm qua (14/11), công ty điều hành Tháp Eiffel cho biết công trình biểu tượng của nước Pháp này sẽ bị đóng cửa vô thời hạn sau các vụ tấn công đẫm máu tại Paris một ngày trước đó. Nhiều cửa hàng, cửa hiệu, các rạp chiếu phim lớn ở Paris cũng đóng cửa sau vụ khủng bố kinh hoàng này.

khung_bo_thxe.jpg
Hoảng loạn sau khủng bố (Ảnh: rollingstone.com).

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng đã nhận trách nhiệm về hàng loạt vụ tấn công khắp Paris. Nhóm này tuyên bố, Pháp là mục tiêu hàng đầu của chúng và thề sẽ tiến hành thêm các vụ tấn công khác nhằm vào nước Pháp. Điều này đã khiến nhiều du khách đến Paris cảm thấy hoang mang. Tháp Eiffel từ chỗ là điểm thu hút khách du lịch của Paris, nay trở nên đìu hiu vì nỗi sợ tấn công khủng bố. Một trong những du khách còn luyến tiếc nhìn lên Tháp Eiffel cho biết:“Đây không phải là những gì mà chúng tôi mong đợi. Chúng tôi hy vọng bầu không khí sẽ ấm áp, thoải mái. Nhưng giờ đây an ninh bị thắt chặt. Chúng tôi thấy rất nhiều quân nhân với súng ống, vũ khí. Điều đó làm chúng tôi cảm thấy không thoải mái nhưng cũng không sao. Vì mọi người tôn trọng bầu không khí sau vụ những vụ tấn công mới đây.”

Trong khi đó, cửa hàng Galeries Lafayette nổi tiếng ở Paris sáng hôm qua mở cửa rồi lại đóng cửa vì lý do an ninh. Việc một nơi tấp nập phồn hoa như cửa hàng này trở nên vắng vẻ khiến nhiều người bất ngờ. Anh Teddy, một người đi ngang qua cửa hàng này cho biết: “Mọi thứ ở Paris dường như đóng cửa. Chúng tôi không thể đi mua sắm, không thể đi dạo. Paris thật trống rỗng và không may là sự sống dường như đã dừng lại một chút”.

Tính đến nay, chính phủ Pháp công bố số người thiệt mạng là 128 nạn nhân trong khi số người bị thương tăng lên 300, trong đó có 80 người ở tình trạng nguy kịch. Người dân nhiều nước như Anh, Mỹ, Nga, Hàn Quốc… đã đến Đại sứ quán và lãnh sự quán của Pháp tại những nước này để đặt hoa và thắp nến tưởng nhớ các nạn nhân. Các công trình nổi tiếng thế giới như Nhà hát Sydney của Australia, Tượng Chúa cứu thế ở Brazil hay Trung tâm thương mại Một thế giới mới (OWTC) ở New York, Mỹ đều thắp đèn 3 màu cờ của Pháp như là hành động thể hiện sự đoàn kết với chính phủ và nhân dân Pháp, chia sẻ nỗi đau với gia đình các nạn nhân.

 Ngoài một nghi phạm người Pháp và tấm hộ chiếu Syria trên thi thể một kẻ đánh bom ngoài sân vận động Stade de France, cảnh sát Pháp vừa tìm thấy thêm một tấm hộ chiếu Ai Cập cạnh kẻ đánh bom thứ hai tại hiện trường. Đài truyền hinh BFMTV của Pháp cho biết, cơ quan chức năng vẫn đang xác minh 2 hộ chiếu này. Ban đầu, giới chức Hy Lạp xác định, người có tấm hộ chiếu Syria đã cập bến đảo Leros hôm 3/10 vừa qua.

Pháp là nước có cộng đồng Hồi giáo đông nhất ở châu Âu và đã tiếp nhận hàng nghìn người tị nạn trong cuộc khủng hoảng người nhập cư mới đây. Nhiều người bắt đầu lo ngại rằng manh mối sau vụ tấn công trên có thể tạo ra một “cơn sóng thần thù hằn” nhằm vào người Hồi giáo ở Pháp nói riêng và châu Âu nói chung. Còn đối với những người tị nạn tưởng rằng đặt chân đến châu Âu là đã thoát được bóng đen của khủng bố, thì vụ tấn công ở Paris là một gáo nước lạnh dội vào hy vọng được định cư trong hòa bình của họ. Anh Mohd Zahed, một người tị nạn từ Syria cho biết:“Chúng tôi không sợ hãi vì chúng tôi không liên quan đến vụ khủng bố ở Paris. Những người Hồi giáo không làm điều này. Đó là những kẻ khủng bố còn chúng tôi thì không. Nếu chúng tôi là khủng bố, chúng tôi sẽ chẳng chọn con đường này. Chúng tôi có thể mạo hiểm nhảy tàu nhưng chúng tôi ở đây là vì chúng tôi không giống họ. Chúng tôi không cần đến nước giàu mà chỉ muốn giữ lại mạng sống.”

Tân Hoa Xã của Trung Quốc dẫn lời bà Leena Malkki, một chuyên gia về khủng bố của Bộ Nội vụ Phần Lan, lên tiếng cảnh báo về những phản ứng thái quá của chính giới sau vụ tấn công khủng bố tại Paris  hôm 13/11 vừa qua. Bà bày tỏ hy vọng các quyết sách chính trị sẽ dựa trên những thông tin thực tế thay vì lăng kính đơn sắc của bất cứ cá nhân nào. Bà Manki cũng dự đoán, các tiến trình liên quan đến vấn đề người tị nạn có thể bị ảnh hưởng sau vụ việc trên. Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere hôm qua đã khẩn thiết kêu gọi các quan chức châu Âu tránh gắn vụ khủng bố ở Pháp với cuộc khủng hoảng người nhập cư hiện nay./.