• Pakistan nhất trí đàm phán về bầu cử sớm
 
  • Thủ tướng Pakistan tuyên thệ nhậm chức
  • Ông Ashraf được đề cử làm Thủ tướng Pakistan
  • Chính trường Pakistan, quốc gia có vị trí và ảnh hưởng lớn tại Nam Á vốn luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong nhiều năm qua trên nhiều phương diện, đang phải đối mặt với nguy cơ xảy ra biến động lớn, thậm chí là lâm vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng mới.

    Theo yêu cầu đưa ra hôm thứ 5 tuần trước của Tòa án Tối cao Pakistan, còn đúng một tuần nữa (ngày 25/7) để Thủ tướng Ashraf vừa nhậm chức tháng trước hoàn thành yêu cầu của Tòa án về việc viết thư cho Chính quyền Thụy Sỹ đề nghị mở lại các vụ án nhận hối lộ nhằm vào đương kim Tổng thống Zardari.

    thu-tuong-ashraf.jpg
    Tân Thủ tướng Pakistan Ashraf trong buổi gặp gỡ báo chí tại trụ sở đảng liên minh của Phong trào Muttahida Qaumi (MQM) tại Karachi (Ảnh: AFP)

    Đến thời điểm này, Thủ tướng Pakistan chưa đưa ra bất kỳ phát ngôn chính thức nào về việc có thực hiện hay không thực hiện yêu cầu của Tòa án. Tuy nhiên, trong một phát ngôn ngay sau lễ nhậm chức tháng trước, Thủ tướng Ashraf tuyên bố không có ý định mở lại các vụ án tham nhũng chống Tổng thống Zardari với lý do: Tổng thống là người đứng đầu nhà nước và có quyền miễn trừ ở cả trong và ngoài nước.

    Các nguồn tin gần gũi với Thủ tướng Pakistan cũng khẳng định, ông Ashraf sẽ không viết thư cho giới chức Thụy Sỹ để yêu cầu mở lại các vụ án tham nhũng chống Tổng thống Zardari, một nhân vật thân tín với ông Ashraf.  

    Với chiều hướng diễn biến hiện nay, nhiều nhà quan sát nhận định, Thủ tướng Ashraf chắc chắn sẽ không thực hiện yêu cầu của Tòa án Tối cao. Điều này có nghĩa là Thủ tướng Ashraf sẽ đối mặt với nguy cơ bị Tòa án Tối cao bãi nhiệm, lặp lại đúng kịch bản mà người tiền nhiệm của ông Ashraf là ông Zilani mắc phải hồi tháng trước - bị Tòa án Tối cao bãi nhiệm vì không thực hiện mệnh lệnh của Tòa về việc mở các vụ án tham nhũng chống Tổng thống Zardari.

    Nguy cơ hai Thủ tướng liên tiếp bị Tòa án Tối cao Pakistan bãi nhiệm chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng là có thực. Thực tế này cho thấy tính bất ổn của chính trường Pakistan vốn nhiều sóng gió trong suốt những năm qua. Giới phân tích lo ngại cho rằng, chính trường Pakistan có thể lâm vào một giai đoạn khó khăn mới, thậm chí là một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng mới. Khi đó, sẽ không loại trừ khả năng điều này có ảnh hưởng đến kế hoạch tiến hành bầu cử sớm trước thời hạn mà đảng Nhân dân Pakistan cầm quyền đang đàm phán với phe đối lập. Xa hơn, nó có thể tác động không có lợi cho tiến trình hòa đàm vừa tái khởi động giữa Pakistan và Ấn Độ.

    Theo đánh giá của các nhà phân tích và thực tế tại nhiều nước cũng đã chứng minh: bất ổn chính trị là nguy cơ hàng đầu dẫn đến bất ổn và chia rẽ xã hội, là căn nguyên, là nguồn gốc phát sinh xung đột phe phái, sắc tộc. Trong bối cảnh tình hình an ninh tại Pakistan cũng đang diễn biến khá bất ổn với hàng loạt các vụ tấn công do lực lượng Taliban và các tay súng Hồi giáo cực đoan tiến hành nhằm vào các lực lượng an ninh nước này những ngày qua, nếu bất ổn chính trị xảy ra và không được dàn xếp ổn thỏa, người ta có đủ cơ sở để lo ngại về một cuộc khủng hoảng toàn diện trong tương lai gần tại Pakistan. Hệ lụy và hậu quả của cuộc khủng hoảng như thế, chắc chắn là điều mà cả chính giới và người dân Pakistan không hề mong muốn./.