Cuộc họp diễn ra ngay sau khi Liên minh châu Âu (EU) cấm nhập khẩu phần lớn dầu mỏ của Nga – quốc gia quan trọng trong OPEC+. Tuy nhiên, cuộc họp vẫn được nhận định sẽ khó có sự thay đổi lớn và OPEC+ sẽ vẫn chỉ tăng nhẹ sản lượng dầu khai thác của mình, bất chấp những sức ép phải tăng sản lượng từ các nước phương Tây.

Trước cuộc họp của OPEC+, EU nhất trí cấm ngay lập tức 2/3 lượng dầu nhập khẩu từ Nga - nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới. Điều này đã góp phần đẩy giá dầu thế giới leo lên mức cao nhất trong vòng 2 tháng qua - bên cạnh yếu tố nhu cầu về dầu gia tăng tại các nước để phục hồi sau đại dịch - bao gồm thị trường lớn là Trung Quốc gỡ bỏ phong tỏa.

Trong bối cảnh như vậy, OPEC+ phải nhóm họp, xem xét khả năng điều chỉnh hạn ngạch khai thác và xuất khẩu dầu của các nước thành viên. Phương Tây đang rất trông đợi vào một kết quả là các nước OPEC tăng mạnh lượng dầu xuất khẩu, ít nhất là bù đắp được lượng dầu thâm hụt từ Nga - ước tính vào khoảng 2-3 triệu thùng dầu mỗi ngày, để ổn định thị trường. Tuy nhiên, điều này sẽ không hề dễ dàng.

Trước cuộc họp của OPEC+, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã tới vùng Vịnh và gặp những người đồng cấp 6 nước thành viên Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) - những quốc gia chủ chốt của OPEC. Theo Ngoại trưởng Nga, tại các cuộc gặp này, các bên đã ca ngợi mối quan hệ hợp tác của họ hiện nay trong OPEC+. Tuyên bố này gây chú ý, bởi nó như câu trả lời cho Mỹ và các nước phương Tây, rằng các bên sẽ tuân thủ các cam kết về sản lượng hoặc sẽ không có quá nhiều sự thay đổi.  Nó cũng xóa tan những đồn đoán được truyền thông phương Tây đưa tin, rằng OPEC+ sẽ loại Nga ra khỏi thoả thuận sản lượng khai thác dầu, để tăng sản lượng.

Thêm vào đó, Ngoại trưởng Oman cho rằng, cuộc khủng hoảng giá dầu leo thang hiện nay đòi hỏi một giải pháp của châu Âu - những quốc gia mới thống nhất hạn chế nhập khẩu phần lớn lượng dầu của Nga. Và bất kỳ đòi hỏi kiểu “bạn phải ở bên chúng tôi hoặc chống lại chúng tôi” sẽ không mang lại bất kỳ kết quả tích cực nào. Điều này chứng tỏ, vùng Vịnh - nơi có những quốc gia đầu tàu trong OPEC vẫn đang quyết tâm giữ vai trò trung lập trong căng thẳng giữa Nga và phương Tây và trên thực tế họ cũng đang được hưởng lợi từ việc giá dầu leo thang.

Còn theo Bjarne Schieldrop, chuyên gia phân tích của ngân hàng SEB, hiện các nước OPEC cũng không có nhiều dầu dự phòng trên thị trường để bù đắp lượng dầu không thể xuất khẩu của Nga. Theo chuyên gia này, lệnh cấm của EU có thể sẽ dẫn đến việc Nga bán ít dầu hơn nhưng có thể được giá cao hơn, thậm chí đạt doanh thu cao hơn.

Còn về phía Nga, theo người phát ngôn của Điện Kremlin, Dmitry Peskov, Nga sẽ sớm tìm kiếm các đối tác mới thay cho khách hàng châu Âu:

“Tất nhiên, bước đi của châu Âu ảnh hưởng khá lớn về khối lượng bán ra. Những lệnh trừng phạt này cũng sẽ có tác động tiêu cực, có thể là đối với toàn bộ châu lục - đối với người châu Âu, đối với chúng tôi và đối với toàn bộ thị trường năng lượng toàn cầu. Tuy nhiên, chúng tôi đang định tuyến lại khối lượng (dầu) đang có sẵn theo các hướng thay thế”.

Trước viễn cảnh OPEC + khó có đột phá về việc tăng sản lượng dầu, các nguồn tin cho biết, giới chức Mỹ đang thu xếp chuyến thăm Tổng thống Joe Biden tới khu vực Trung Đông trong thời gian tới./.