Theo Al Jazeera, Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục đưa ra cáo buộc việc Ankara bắn hạ máy bay chiến đấu Su-24 của Nga hôm 24/11 vừa qua là nhằm bảo vệ nguồn cung cấp dầu từ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đến Thổ Nhĩ Kỳ.
"Chúng tôi có đủ mọi lý do để tin rằng, quyết định bắn hạ máy bay chiến đấu của chúng tôi nhằm bảo vệ cho tuyến đường cung cấp dầu bất hợp pháp của IS vào lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ", ông Putin cho biết tại cuộc họp báo hôm 30/11 bên lề Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP21) tổ chức tại Paris, Pháp.
"Tại thời điểm này, chúng tôi đã nhận được thêm thông tin xác nhận rằng, dầu được sản xuất tại khu vực do IS và các tổ chức khủng bố khác kiểm soát tại Syria được vận chuyển vào Thổ Nhĩ Kỳ với quy mô công nghiệp", ông Putin cho biết.
Tổng thống Nga Putin phát biểu tại COP21. Ảnh: Reuters |
Những ngôn từ mạnh mẽ này được Tổng thống Nga Putin đưa ra vài giờ sau khi Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu một lần nữa từ chối xin lỗi Nga vì vụ bắn rơi cường kích Su-24 của Nga gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria hôm 24/11.
Hiện quan hệ giữa Moscow và Ankara đang khá căng thẳng sau vụ bắn hạ chiến đấu cơ này.
Nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ vẫn bảo lưu tuyên bố rằng, chiến đấu cơ Su-24 của Nga đã xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ trước khi nó bị bắn hạ. Tuy nhiên, Nga đã kịch liệt phản đối tuyên bố này của Thổ Nhĩ Kỳ và cho rằng máy bay Nga không hề vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ và nó bị bắn hạ khi đang ở trong không phận Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng công bố một bản ghi âm nhằm chứng minh rằng máy bay Nga đã được cảnh báo nhiều lần trước khi bị bắn hạ. Quan điểm này của Thổ Nhĩ Kỳ nhận được sự ủng hộ của các đồng minh NATO.
Cho đến nay, Nga đã áp dụng một số biện pháp cứng rắn nhằm đáp trả Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ Su-24 bị bắn hạ.
Cuối tuần qua, Tổng thống Nga Putin đã ký sắc lệnh áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó bao gồm lệnh cấm các doanh nghiệp Nga thuê mới công dân mang quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ và giới hạn nhập khẩu một số loại hàng hóa của Thổ Nhĩ Kỳ.
Sắc lệnh do Tổng thống Putin ký cũng đề nghị các hãng du lịch Nga hạn chế bán các tour du lịch tới Thổ Nhĩ Kỳ - điểm đến yêu thích của du khách Nga. Các biện pháp mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2016.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu phát biểu tại cuộc họp báo ở trụ sở NATO. Ảnh: AP |
Mặc dù Nga áp đặt các biện pháp trừng phạt, tuy nhiên Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu hôm 30/11 vẫn cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không xin lỗi về động thái [bắn hạ máy bay Nga] nhằm "bảo vệ biên giới của mình".
“Không nước nào có quyền bắt chúng tôi phải xin lỗi”, ông Davutoglu nói với các phóng viên sau cuộc gặp với Tổng thư ký NATO tại trụ sở của liên minh ở Brussels, Bỉ.
“Việc bảo vệ biên giới trên bộ, trên không của chúng tôi không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ. Chúng tôi chỉ xin lỗi khi phạm lỗi chứ không phải xin lỗi vì thực thi nghĩa vụ của mình”, ông Davutoglu tuyên bố một cách cứng rắn.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Putin đưa ra cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ mua dầu từ IS.
Hôm 26/11, Tổng thống Putin cũng đã nói rằng, "không có gì phải nghi ngờ" về việc dầu từ lãnh thổ Syria hiện do "khủng bố kiểm soát" bằng cách nào đó đã chảy qua biên giới vào Thổ Nhĩ Kỳ - tuyên bố này ngay lập tức đã bị Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phủ nhận.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiến đấu cơ Su-24 của Nga không những khiến quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Nga căng thẳng mà còn có thể ảnh hưởng đến các nỗ lực ngoại giao của Tổng thống Pháp Francois Hollande nhằm đưa phương Tây và Nga xích lại gần nhau hơn trong cuộc chiến chống IS./.