Bàn Môn Điếm cách Seoul 50 km về phía bắc là nơi Hiệp định Đình chiến được ký kết khi cuộc Chiến tranh liên Triều 1950 – 1953 kết thúc. Hai miền Triều Tiên về lý thuyết vẫn đang trong tình trạng chiến tranh bởi cuộc chiến dù kết thúc nhưng đã không đạt được bất kỳ hiệp ước hòa bình nào.
Những người lính canh gác của Hàn Quốc và Triều Tiên đứng đối diện nhau ở Khu vực an ninh chung (JSA), một dải đất nhỏ trong ngôi làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Ảnh: Yonhap |
Tổng thống Moon Jae-in sẽ gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Ngôi nhà Hòa Bình ở khu vực phía nam của Bàn Môn Điếm, bên trong Khu vực phi quân sự (DMZ). Ông Kim sẽ trở thành người lãnh đạo Triều Tiên đầu tiên bước qua biên giới hai bên kể từ khi chiến tranh kết thúc.
Vào năm 1951, Lực lượng Liên Hợp Quốc do Mỹ dẫn đầu đã đánh dấu một quán rượu nhỏ tại Neolmun-ri để tạo điều kiện thuận lợi cho quân đội Trung Quốc tìm địa điểm thế chân tạm thời gần đó cho các cuộc hội đàm đình chiến. Dấu hiệu trên quán này được đánh vần là Panmunjom theo các ký tự Trung Quốc.
Ngôi làng đình chiến này là một địa điểm chứa đựng những căng thẳng và cũng là biểu tượng cho thời kỳ lịch sử chia cắt hai miền Triều Tiên đầy bi thảm.
Ban đầu bên trong Bàn Môn Điếm không có đường biên giới được đánh dấu nhưng sau khi quân lính Triều Tiên giết chết hai quan chức quân đội Mỹ bằng rìu ở Bàn Môn Điếm vào năm 1976, một đường phân chia ranh giới quân sự đã được vẽ ra trong ngôi làng biên giới này.
Ngôi nhà Hòa bình, một địa điểm diễn ra các cuộc hội đàm liên Triều nằm ở bên của Hàn Quốc tại Khu vực phi quân sự ngăn cách hai miền Triều Tiên. Ảnh: Yonhap |
Hiện nay, binh lính bảo vệ của Hàn Quốc và Triều Tiên đang đứng đối diện với nhau tại Khu vực an ninh chung (JSA), một dải đất nhỏ ở Bàn Môn Điếm do Lực lượng vũ trang Liên Hợp Quốc giám sát.
Ngôi làng đình chiến này được xem là một địa điểm chính cho các cuộc hội đàm liên Triều từ năm 1971.
Hai miền Triều Tiên tính đến nay đã tổ chức hơn 655 vòng đàm phán và gần 55% cuộc đàm phán trong số đó diễn ra ở Bàn Môn Điếm, theo số liệu từ Bộ thống nhất Hàn Quốc.
Hội nghị thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4 sẽ diễn ra sau hơn một năm căng thẳng leo thang do các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Đây là hội nghị đầu tiên được tổ chức ở Bàn Môn Điếm. Hai hội nghị thượng đỉnh năm 2000 và năm 2007 đều diễn ra tại Bình Nhưỡng.
Hàn Quốc và Triều Tiên mỗi bên đều có một tòa nhà ở Bàn Môn Điếm – các tòa nhà hội nghị này có vai trò như những địa điểm cho các cuộc hội đàm liên Triều và các văn phòng liên lạc của hai bên. Hàn Quốc gần đây đã hoàn thiện việc sửa chữa lại Ngôi nhà Hòa Bình để phục vụ cho các đại biểu của hai miền Triều Tiên.
Ngôi nhà Hòa Bình là một tòa nhà hội nghị 3 tầng được thành lập vào năm 1989 ở mặt phía nam của Khu vực an ninh chung. Tòa nhà của Triều Tiên là tòa Tongilgak được xây dựng vào năm 1985 là địa điểm cho các cuộc hội đàm liên Triều.
Ngoài việc sửa chữa lại, Ngôi nhà Hòa Bình cũng được trang trí lại với một chiếc bàn hình bầu dục đặt ở trung tâm của phòng họp chính – nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh.
Chiếc bàn dài chính xác 2018 mm, thể hiện năm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh lịch sử này, quan chức Văn phòng Tổng thống Cheong Wa Dae cho biết.
Bức ảnh được chụp vào ngày 25/4/2018 là hình một chiếc bàn bầu dục mới tại phòng họp chính của Ngôi nhà Hòa Bình, địa điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh sắp tới giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Ảnh: Yonhap |
Ngoài ra, một bức tranh rộng khoảng 1,8 mét và cao 6,7 mét có hình ngọn núi Kumgang (Kim Cương) của Triều Tiên sẽ được treo trên tường của phòng họp. Ông Moon và ông Kim sẽ bắt tay nhau trước bức tranh này để chụp ảnh.
“Chúng tôi mong muốn Hội nghị thành công bằng cách đặt hình ảnh núi Kumgang tại đây – một biểu tượng của sự hòa giải và hợp tác liên Triều”, một quan chức chính phủ khẳng định.
Hai miền Triều Tiên đều đồng ý các cuộc đàm phán cấp chuyên viên gần đây sẽ được phát sóng trực tiếp và cả sự kiện nhà lãnh đạo Kim Jong Un bước qua biên giới hai miền.
Hiện tại vẫn chưa rõ người lãnh đạo Triều Tiên sẽ đi qua biên giới hai bên bằng phương tiện nào nhưng ông có thể sẽ đi bộ hoặc đi bằng ô tô.
Với phương án thứ nhất, sau khi một phương tiện chở ông Kim qua cây cầu được gọi là cầu 72 giờ theo đường về phía bắc của Khu vực an ninh chung, có thể nhà lãnh đạo Kim Jong Un sẽ đi bộ dọc theo 1 trong 2 con đường giữa 3 tòa nhà màu xanh mang tên T1, T2 và T3 chạy dọc biên giới Khu vực an ninh chung. Chữ T là viết tắt của từ “temporary”, nghĩa là “tạm thời”.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng có thể đi qua biên giới bằng ô tô. Một phương tiện chở ông Kim có thể sẽ dừng trước Ngôi nhà Hòa Bình của Hàn Quốc sau khi đi qua con đường gần Panmungak, một tòa nhà của Triều Tiên phục vụ như một văn phòng liên lạc.
Hàn Quốc và Triều Tiên đang tiến hành lắp đặt các đường liên lạc chủ chốt tại các văn phòng liên lạc ở Bàn Môn Điếm.
Tuần trước, hai miền Triều Tiên đã mở một đường dây điện thoại trực tiếp tại văn phòng của Tổng thổng Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong Un./.
Kế hoạch cuộc gặp liên Triều được tiết lộ