Sau cuộc gặp với Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra ngày 18/11 với cam kết thúc đẩy mối quan hệ hợp tác và hữu nghị song phương, ngày 19/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama thực hiện điểm dừng chân thứ 2 tại Myanmar trong khuôn khổ chuyến công du 3 nước Đông Nam Á. Chuyến thăm Myanmar của ông Obama được chờ đợi là chuyến thăm lịch sử và sẽ góp phần đáng kể củng cố mối quan hệ 2 nước.

tong-thong-my.jpg
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Ngoại trưởng Hillary Clinton đến Myanmar (Ảnh: AFP)

Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã mô tả chuyến thăm của ông Obama là "cơ hội hoàn hảo" để tiến tới dịp kỷ niệm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Thủ tướng Yingluck còn cho biết, Thái Lan sẽ cân nhắc vấn đề tham gia đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và đảm bảo các thủ tục pháp lý trong nước về vấn đề này:

“Chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng một nền tảng mạnh mẽ trong việc mở rộng thương mại và đầu tư nhằm thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm. Thế giới đang thay đổi nhanh chóng và chỉ có thông qua sự tin tưởng cũng như mối quan hệ đối tác, chúng ta mới có thể đảm bảo hòa bình và thịnh vượng cho các quốc gia”.

Về phần mình, Tổng thống Obama nhấn mạnh, mối quan hệ đồng minh lịch sử kéo dài giữa Mỹ và Thái Lan sẽ tạo nền tảng cho chính sách ngoại giao của Mỹ trong khu vực. Chuyến thăm này còn là dịp để Mỹ củng cố hơn nữa mối quan hệ hợp tác với Thái Lan - một trong những đối tác quân sự chủ yếu của Mỹ trong khu vực:

“Tất cả những gì mà tôi thấy là khả năng phục hồi, mối quan hệ khăng khít của Thái Lan – đó là nền tảng cho mối quan hệ liên minh của hai nước. Đó là lý do tại sao cho đến nay, Thái Lan luôn là “người bạn” lâu năm nhất của Mỹ tại châu Á. Chúng ta có thể tự hào về mối quan hệ thân thiện của 2 nước, đồng thời tự hào về Thủ tướng Thái Lan - người đang đưa đất nước đi trên con đường dân chủ, tự do và phát triển”, ông Obama nói.

Sau Thái Lan, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đến Myanmar. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Mỹ tới quốc gia châu Á này và được cho là sẽ góp phần cải thiện đáng kể mối quan hệ giữa 2 nước. Ông Obama cho biết, chuyến thăm lần này được coi như một sự công nhận của Mỹ đối với những tiến bộ đã đạt được của Myanmar trên con đường dân chủ và kêu gọi những cải cách lớn hơn cần được thực hiện trong tương lai. Phát biểu trong chuyến thăm Thái Lan ngày 18/11, ông Obama cho biết, ông không khẳng định rằng Myanmar đã làm tất cả những gì cần phải làm, song Mỹ có thể đóng một vai trò quan trọng giúp quốc gia châu Á này không bị thụt lùi.

Tổng thống Mỹ Obama đã hoan nghênh những cải cách dân chủ nhanh chóng tại Myanmar bằng cách dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt đối với nước này. Ông Obama cũng đã bổ nhiệm Đại sứ thường trực tại Myanmar và cam kết sẽ tăng cường các khoản đầu tư lớn nếu như nước này tiếp tục phát triển sau một nửa thế kỷ của chế độ quân sự cầm quyền. Tại điểm dừng chân thứ 2 trong chuyến công du Đông Nam Á lần này, ông Obama dự kiến sẽ công bố gói viện trợ 170 triệu USD trong vòng 2 năm tiếp theo để khuyến khích chính phủ Myanmar tiếp tục thực hiện các cải cách dân chủ, đồng thời kêu gọi chính phủ giải quyết những bất ổn xung quanh vấn đề căng thẳng sắc tộc đang diễn ra tại bang miền Tây Rakhine - nơi đã có hơn 100.000 người Hồi giáo phải di dời.

Ông Obama dự kiến có cuộc gặp Tổng thống Myanmar, Thein Sein - người đã nỗ lực cải cách về chính trị và kinh tế kể từ khi nhậm chức vào tháng 3/2011./.