Với sự tham gia của đương kim Tổng thống Nga Vladimir Putin, cuộc bầu cử năm nay được đánh giá là không có quá nhiều kịch tính. Tuy nhiên, cuộc chạy đua vào chiếc ghế Tổng thống Nga năm nay diễn ra sôi động và thu hút sự chú ý của dư luận nhờ có sự sự tham gia đông đảo ứng cử viên đại diện cho các đảng phái chính trị chủ chốt ở Nga.

bau_cu_nga_telegraph_pmgh.jpg
Chú thích ảnh

Theo thông lệ, kể từ 0 giờ ngày 17/3, nước Nga chính thức kết thúc chiến dịch tranh cử trên các phương tiện truyền thông đại chúng kéo dài trong suốt 28 ngày qua, và bắt đầu bước vào “Ngày im lặng”. Đây là khoảng thời gian để ngăn chặn mọi động thái gây sức ép lên cử tri của các đảng tham gia tranh cử trước khi cuộc bầu cử tổng thống ngày 18/3 bắt đầu.

Trong thời gian này, các đảng phải ngưng mọi hoạt động vận động tranh cử và mọi hình thức tuyên truyền cho cuộc bầu cử đều bị cấm. "Ngày im lặng" cho phép cử tri có được sự yên tĩnh để suy ngẫm và đưa ra quyết định cuối cùng của mình về tổng thống tương lai mà không bị chi phối bởi áp lực từ các chiến dịch tranh cử. Biển quảng cáo của chiến dịch bầu cử đã được lắp trước đó có thể vẫn được giữ ở vị trí cũ với điều kiện cách không gần hơn 50 mét với điểm bỏ phiếu gần nhất.

Trong bài phát biểu trên truyền hình cuối cùng trên cương vị Tổng thống Liên bang Nga, hôm qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi người dân Nga đi bỏ phiếu thực hiện nghĩa vụ công dân của mình. Tổng thống Putin nhấn mạnh, lựa chọn ai, thực hiện quyền lợi của mình như thế nào đó là quyết định tự nguyện của từng cá nhân và sự lựa chọn đó quyết định vận mệnh của đất nước trong thời gian tới.

"Theo Hiến pháp Nga, nhân dân là nền tảng duy nhất của chính quyền. Quy định này có ý nghĩa vô cùng to lớn. Chính ý chí của nhân dân, ý chí của mỗi công dân Nga sẽ xác định đất nước sẽ tiến lên theo con đường nào. Tương lai của nước Nga và con cháu của chúng ta cũng phụ thuộc vào điều đó", ông Putin nói.

Cuộc chạy đua vào chiếc ghế Tổng thống Nga năm nay cũng diễn ra sôi động và thu hút sự chú ý của dư luận nhờ có sự sự tham gia đông đảo ứng cử viên đại diện cho các đảng phái chính trị chủ chốt ở Nga. Cả 8 ứng cử viên đều đưa ra chương trình tranh cử đầy tham vọng và nỗ lực để tạo bước bất ngờ, song đến nay vẫn chưa có bất cứ ứng viên nào đuổi kịp đương kim Tổng thống Putin.

Theo số liệu mới nhất của Cơ quan thăm dò công luận Nga (VSIOM), ông Putin hiện nhận được khoảng 69% số cử tri ủng hộ, bỏ xa các ứng cử viên còn lại.

Một người dân Nga bày tỏ về lựa chọn của mình: “Tôi sẽ bỏ phiếu cho Tổng thống Putin. Hiện nay nước Nga cần sự ổn định. Tổng thống Putin đảm bảo cho cuộc sống của chúng tôi được ổn định”.

"Chỉ có Tổng thống Putin mới có kinh nghiệm trong việc điều hành đất nước. Những ứng cử viên khác không có kinh nghiệm quản lý, thậm chí là một nước cộng hòa, một khu vực tự trị hay một thành phố. Chính vì thế ông Putin, theo tôi nghĩ là ứng cử viên được nhiều người lựa chọn”, một người khác cho biết.

Đến nay, công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống Nga cũng đã hoàn tất và được đánh giá là rất tốt, kỹ lưỡng và chu đáo. Với mục đích tạo sự công khai và minh bạch tối đa cho cuộc bầu cử, Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga (SIK) đã áp dụng nhiều biện pháp như cấp phép cho 1.455 quan sát viên đến từ 86 quốc gia và 14 tổ chức quốc tế đến giám sát bầu cử, gấp đôi so với cuộc bầu cử tổng thống năm 2012.

Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga cũng khuyến khích các tổ chức xã hội, chính trị khác nhau ở trong nước tham gia giám sát tiến trình bầu cử. Ngoài ra, trong lực lượng quan sát viên cũng có hơn 5.560 nhà báo đại diện cho phương tiện truyền thông đại chúng trong nước và 367 nhà báo nước ngoài. Đặc biệt Nga chi gần 3 tỷ rúp để lắp đặt hệ thống máy quét lá phiếu cử tri, máy đếm phiếu tự động, hệ thống camera theo dõi và thiết bị truyền hình ảnh trực tiếp tại hầu hết trong tổng số hơn 97.000 điểm bỏ phiếu trên cả nước.

Công tác bảo đảm an ninh cho bầu cử được tăng cường với sự vào cuộc của hầu hết các lực lượng chức năng. Bộ Tình trạng Khẩn cấp Nga cho biết sẽ triển khai 115.000 nhân viên và gần 19.000 trang thiết bị để bảo đảm an ninh cho tất cả các khu vực bầu cử trên cả nước.

Chỉ riêng tại Moscow, chính quyền thủ đô đã huy động hơn 17.000 nhân viên thực thi pháp luật nhằm bảo đảm trật tự vào ngày bỏ phiếu vào ngày mai. Hoạt động giao thông trong ngày bỏ phiếu ở thủ đô vẫn động bình thường, nhưng hoạt động tuần tra, kiểm soát được siết chặt.

Theo dự báo gần đây nhất của các tổ chức nghiên cứu dư luận xã hội, dự kiến sẽ có từ 63% đến 67% cử tri trong độ tuổi sẽ đi bỏ phiếu lựa chọn vị Tổng thống lãnh đạo nước Nga./.