Vụ tấn công tình nghi sử dụng vũ khí hóa học xảy ra cuối tuần qua tại thành phố Aleppo, Syria một lần nữa làm nóng các cuộc tranh luận quốc tế về vấn đề này.

tan_cong_hoa_hoc_mssm.jpg
Một bé gái được cho là nạn nhân của một vụ tấn công hóa học ở Syria. Ảnh: CNN.

Chính quyền Syria cáo buộc phe đối lập là thủ phạm vụ tấn công làm hàng trăm người bị thương này và dẫn đến các cuộc không kích đáp trả của quân đội Nga.

Những bức ảnh mà hãng tin AFP của Pháp ghi lại được cho thấy, hàng chục người, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em được đưa đến bệnh viện, với  những triệu chứng của người bị phơi nhiễm chất hóa học như chóng mặt, khó thở và phải dùng tới mặt nạ dưỡng khí trong ít nhất 15 phút.

Theo Hãng thông tấn Sana, có khoảng 107 người bị thương trong vụ tấn công. Chính quyền Syria hôm qua (25/11) yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lên án vụ tấn công và kêu gọi cộng đồng quốc tế đưa ra các biện pháp phòng ngừa, nhằm ngăn chặn một vụ tấn công tương tự trong tương lai.

Quân đội Nga hôm 25/11 khẳng định, các phần tử thuộc nhóm khủng bố Tahrir al-Sham- (tiền thân là Mặt trận al-Nusra) đã sử dụng pháo cỡ 120mm bên trong chứa chất độc. Để đáp trả, Không quân nước này đã tiến hành không kích nhằm vào các vị trí của quân khủng bố.

Trong một phản ứng phương Tây đầu tiên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố, mọi hành vi sử dụng vũ khí hóa học trong xung đột đều cần phải bị lên án: “Hiện chúng tôi không có thông tin rõ ràng và đầy đủ để đưa ra bình luận về vụ tấn công này. Song tôi muốn nhấn mạnh rằng, Pháp lên án bất kỳ hành vi sử dụng vũ khí hóa học nào, dù ai đứng đằng sau. Tôi muốn những người tiết lộ thông tin này cung cấp tất cả các thông tin liên quan và chuyển cho cơ quan quốc tế có thẩm quyền để hoàn toàn chắc chắn về những gì xảy ra và xác định thủ phạm”.

Trước đó, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif hôm qua (26/11) đã chỉ trích các nước phương Tây giữ im lặng về vụ tấn công hóa học mới nhất xảy ra tại Aleppo, cho rằng đây là một “hành động bất thường”. 

Căng thẳng bùng phát tại Syria bất chấp thỏa thuận đạt được hồi tháng 9 vừa qua giữa Nga, một đồng minh của chính quyền Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, ủng hộ phe đối lập nhằm thiết lập một lệnh ngừng bắn và một khu phi quân sự giữa những vùng lãnh thổ do quân nổi dậy chiếm đóng và những khu vực nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ ở các tỉnh láng giềng Aleppo và Idlib (Đông Bắc Syria).

Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ và Bộ trưởng Quốc phòng Nga hôm qua cũng có cuộc thảo luận qua điện thoại, đề cập tới những hành vi khiêu khích mới nhất có nguy cơ phá vỡ thỏa thuận đạt được này.

Trong suốt hơn 7 năm xung đột, chính quyền Syria luôn bị các chính phủ phương Tây cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học, bất chấp việc nước này nhiều lần bác bỏ. Tháng 4 vừa qua, một vụ tấn công tình nghi sử dụng vũ khí hóa học đã xảy ra tại Đông Ghouta, một thành trì trước đây của quân nổi dậy và nằm ngay cửa ngõ vào thủ đô Damascus, làm 40 dân thường thiệt mạng. Một lần nữa, các nước phương Tây lại chỉ trích chính quyền Syria phải chịu trách nhiệm và đáp trả bằng các chiến dịch không kích dữ dội.

Năm 2016, một ủy ban điều tra của Liên Hợp Quốc và Tổ chức cấm vũ khí hóa học cho biết, các máy bay trực thăng quân sự của Syria đã thả khí độc Clo xuống ít nhất hai thị thất tại Idliob, là Talmenes năm 2014 và Sarmine năm 2015. Ủy ban này cũng cáo buộc, các tay súng Hồi giáo thánh chiến cực đoan năm 2015 từng sử dụng khí mù tạt tại Marea thuộc tỉnh Aleppo.

Dù cũng giống như những lần trước đó, thủ phạm các vụ tấn công hóa học tại Syria vẫn chưa được làm sáng tỏ, song rõ ràng những vụ tấn công như thế này đang đẩy cuộc chiến tranh tại Syria tới bờ vực nguy hiểm, gây trở ngại cho mọi nỗ lực thúc đẩy hòa bình cho quốc gia Trung Đông này.

Tổ chức Cấm vũ khí hóa học mới đây đã được trao thêm quyền quy trách nhiệm trong các vụ tấn công hóa học, song tính công bằng và đáng tin cậy của các cuộc điều tra vẫn là điều gây tranh cãi. Chính phủ Nga nhiều lần chỉ trích các cuộc điều tra của cơ quan này là một chiều, đồng thời cảnh báo sẽ rút khỏi./.