Tuy nhiên đến nay, các nghị sĩ hai đảng Dân chủ và Cộng hòa vẫn chưa đạt được sự đồng thuận. Trong khi đó, dư luận Mỹ đang hết sức quan ngại về nguy cơ vỡ nợ của nước này.

Trong bài phát biểu tại Nhà Trắng ngày 29/7), Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi các nghị sĩ hai đảng Dân chủ và Cộng hòa nhanh chóng thỏa hiệp.

obama.jpg

Chính phủ của ông Obama đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ

“Hai đảng cần sớm thống nhất nâng mức trần nợ để phục vụ cho lợi ích của người dân Mỹ. Tôi kêu gọi hai đảng cần tìm được tiếng nói chung để tôi có thể sớm ban hành dự luật. Có nhiều cuộc khủng hoảng trên thế giới này mà chúng ta không thể đoán trước hay lảng tránh được. Đây chỉ là một trong số rất nhiều các vụ khủng hoảng. Vấn đề nâng mức trần nợ nằm trong quyền kiểm soát của chúng ta. Chúng ta có quyền kiểm soát nó.”, ông Obama nói.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, nếu mức trần nợ công của Mỹ hiện đang ở mức hơn 14.000 tỷ USD không được đưa ra vào ngày 2/8 tới, khủng hoảng nợ có thể đẩy nền kinh tế vốn đang ốm yếu của Mỹ tiếp tục lùi vào suy thoái. Nước Mỹ sẽ mất khả năng vay nợ, trong khi phải chi trả 32 tỷ USD một ngày sau đó. Khả năng chính phủ Mỹ vỡ nợ sẽ xảy ra sau một tuần. Khi đó, lãi suất ngân hàng sẽ tăng, giá trị đồng USD giảm. Người dân sẽ gặp khó khăn trong việc vay tiền mua nhà, ôtô, đi học...

Thị trường chứng khoán có nguy cơ suy sụp, định mức tín nhiệm nợ của Mỹ cũng sẽ sụt giảm. Chính phủ liên bang sẽ không thể trả các chi phí hoạt động vào tháng tới. Đây là một thực tế khó tránh nếu các cuộc thảo luận giữa Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ vẫn bế tắc.

Tình hình này đã không khỏi khiến dư luận Mỹ quan ngại. Nhiều người dân Mỹ đã bày tỏ sự thất vọng về nguy cơ này. “Thật là nực cười. Mức trần nợ công cần phải được nâng lên. Tại sao tất cả mọi người Mỹ đều trong guồng quay của vấn đề nhưng lại không làm gì để giải quyết nó”, một người dân cho biết. 

Có ý kiến khác cho rằng: “Cả hai đảng đều có lỗi. Một trong những vấn đề đối với nước Mỹ hiện này là đã chi tiêu quá nhiều. Nâng mức trần nợ không phải là chúng ta chưa từng làm bao giờ. Vì vậy cái cần bây giờ là có sự đồng thuận và thỏa hiệp.”./.