Nhóm 4 nước Trung Âu Visegrad bao gồm Cộng hòa Séc, Ba Lan, Hungary và Slovakia vừa quyết định sẽ thành lập Trung tâm quản lý khủng hoảng người di cư nhằm điều phối trợ giúp cho người di cư tại các quốc gia ngoài châu Âu.

di_cu_ytyh.jpg
Người tị nạn tại một khu trại ở Suruc, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: AFP)

Quyết định trên được thông qua tại Hội nghị các Bộ trưởng Nội vụ nhóm Visegrad được tổ chức tại thủ đô Warsaw của Ba Lan ngày 21/11.

Tại hội nghị, một lần nữa các Bộ trưởng nhóm bốn nước Visegrad lên tiếng phản đối cơ chế phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người di cư cho các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và cho rằng, cơ chế này trên thực tế không khả thi.

Trích dẫn các số liệu thu thập được, các Bộ trưởng cho rằng cho tới nay mới chỉ có hơn 6.000 trong tổng số 160.000 người di cư theo kế hoạch được đăng ký và tái định cư tại các nước thành viên EU. Họ khẳng định cơ chế trên vô hình chung càng thu hút làn sóng mới người di cư vào châu Âu, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng này.

Bàn về các giải pháp giảm áp lực và căng thẳng lên làn sóng người di cư hiện nay, các bộ trưởng nhóm Visegrad tán thành phương án hỗ trợ người di cư tại các quốc gia bên ngoài EU, tăng cường bảo vệ biên giới bên ngoài EU và trả lại người di cư về nước của họ.

Theo đó, các Bộ trưởng đề xuất thành lập một trung tâm quản lý khủng hoảng di cư của nhóm Visegrad dưới sự điều hành của Ba Lan nhằm hỗ trợ người di cư tại các quốc gia khởi nguồn của làn sóng người di cư như Lebanon hay Jordan.

Sáng kiến này sẽ được các Bộ trưởng đệ trình lên Hội nghị thượng đỉnh bốn nước nhóm Visegrad và hội nghị các Bộ trưởng Nội vụ EU sắp tới./.