Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, hiện là đặc phái viên nhóm Bộ tứ về Trung Đông (gồm LHQ, Liên minh châu Âu, Mỹ và Nga), ngày 23/9 kêu gọi Israel và Palestine phản ứng tích cực với đề xuất của nhóm này về việc hai nước tiến hành đàm phán trực tiếp, để có thể đi đến ký kết thỏa thuận vào cuối năm 2012.
Thanh niên Palestine dựng cờ các nước đã công nhận nhà nước Palestine ở thành phố Bờ Tây Ramallah (ảnh Reuters) |
Phát biểu với báo giới tại trụ sở của LHQ ở New York, Mỹ, sau tuyên bố của nhóm Bộ tứ, ông Tony Blair nói: “Nhóm Bộ tứ kêu gọi các bên trở lại đàm phán trực tiếp và sau đó sẽ vạch ra lộ trình cụ thể cho các cuộc đàm phán. Theo đó, đại diện Israel và Palestine sẽ chuẩn bị gặp nhau trong vòng 1 tháng tới, hai bên sẽ đưa ra các đề xuất của mình và thảo luận về vấn đề an ninh và biên giới. Trong vòng 6 tháng tới sẽ có những tiến triển mang tính thực chất và một thỏa thuận khung sẽ được ký kết chậm nhất là vào cuối năm 2012. Đây là những bước cụ thể của nhóm Bộ tứ nhằm thúc đẩy đàm phán giữa hai bên”.
Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói rằng, nhóm Bộ tứ đã đưa ra một đề xuất cụ thể nhằm nối lại các cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine, đồng thời thúc giục hai bên nắm bắt lấy cơ hội này.
Đề xuất của nhóm Bộ tứ được đưa ra sau khi Tổng thống Palestine Mahmud Abbas trình lên Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon lá thư đề nghị công nhận Palestine là quốc gia độc lập và là thành viên đầy đủ của LHQ.
Tuy nhiên, đề xuất của nhóm Bộ tứ không đề cập các vấn đề tranh cãi giữa Israel và Palestine như vấn đề biên giới, quy chế Jerusalem hay về người tị nạn Palestine. Do đó, đề xuất này khó có thể nhận được sự đồng tình của cả Israel và Palestine, nhất là đối với Palestine.
Trước đó, vào lúc 11h 35' sáng 23/9 (theo giờ Mỹ) tức 22h 35' tối 23/9 (giờ Hà Nội), tại trụ sở LHQ, Tổng thống Palestine, ông Mahmoud Abbas đã chính thức trình lên Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon lá đơn xin gia nhập LHQ với quy chế quốc gia thành viên đầy đủ dành cho Palestine. Dự kiến, ông Ban Ki-moon sẽ chuyển lá đơn này cho một ủy ban thuộc Hội đồng Bảo an LHQ xem xét và quá trình này có thể sẽ kéo dài trong vài tuần. Phát biểu tại phiên thảo luận chung tại kỳ họp thứ 66 của Đại hội đồng LHQ sau đó, Tổng thống Abbas khẳng định chính sách xây dựng các khu định cư của Israel sẽ "hủy hoại những cơ hội" đạt được giải pháp hai nhà nước nhằm chấm dứt hàng thập kỷ xung đột giữa hai bên.
Theo ông Abbas, chính sách nói trên của Israel không chỉ đe dọa cấu trúc của Chính quyền Dân tộc Palestine (PNA), mà thậm chí còn chấm dứt sự tồn tại của chính quyền này. Nhà lãnh đạo Palestine tuyên bố sẵn sàng quay trở lại cuộc đàm phán với Israel với điều kiện Tel Aviv đình chỉ hoàn toàn chính sách xây dựng các khu định cư Do Thái.
Israel đã ngay lập tức phản ứng trước quyết định của Tổng thống Abbas. Người phát ngôn của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã ra tuyên bố cho biết "lấy làm tiếc về hành động này." Phía Israel một lần nữa nhắc lại quan điểm rằng "con đường duy nhất để đạt được hòa bình thực sự là thông qua đàm phán chứ không phải những bước đi đơn phương." Trước đó, một số quan chức Israel cảnh báo sẽ thực hiện các biện pháp trả đũa mạnh mẽ./.