Hoạt động đối phó với dịch Ebola đã xuất hiện dấu hiệu khả quan khi hôm qua (24/10) Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, việc thử nghiệm vaccine phòng Ebola có thể được bắt đầu tại Tây Phi ngay trong những ngày đầu tháng 12 tới đây.
Bên cạnh đó, nữ y tá Mỹ gốc Việt, trường hợp bị lây nhiễm virus Ebola đầu tiên trên đất Mỹ, cô Nina Pham cũng đã được chữa khỏi Ebola và đã được xuất viện ngay trong ngày hôm qua (24/10). Những tín hiệu tích cực này diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế vẫn đang đẩy mạnh hoạt động đối phó với dịch Ebola.
Bà Kieny nói: “Trong giai đoạn thử nghiệm 1, hai loại vaccine ưu việt nhất đã được đưa vào thử nghiệm và kết quả thử nghiệm này sẽ được công bố ngày trong những ngày đầu tiên của tháng 12 năm nay. Đây mới chỉ là kết quả ban đầu. Ít nhất 5 loại vaccine cũng sẽ được đưa vào thử nghiệm sau khi chúng tôi tiến hành thử nghiệm 2 loại vaccine trên ngay trong những tháng đầu tiên của năm 2015.”
Bà Kieny cũng cho biết hai loại vaccine được thử nghiệm sắp tới là rVSV do NewLink Genetics, Phòng thí nghiệm Vi sinh Quốc gia Canađa phát triển và ChAd3 do hãng dược phẩm Anh GlaxoSmithKline sản xuất. Hiện vaccine rVSV đã bắt đầu được thử nghiệm tại Mỹ, và dự kiến được thử nghiệm tại Thụy Sĩ, Đức, Gabon và Kenya. Trong khi đó, ChAd3 đang được thử nghiệm tại Mỹ, Anh và Mali và sẽ tiếp tục được thử nghiệm tại Thụy Sĩ. Các nhân viên Tổ chức Y tế Thế giới được khuyến khích thử nghiệm loại vaccine này.
Còn tại Mỹ, trong buổi họp báo hôm qua, giới chức y tế bang Texas, Mỹ, cho biết: nữ y tá Mỹ gốc Việt Nina Phạm, trường hợp bị lây nhiễm virus Ebola đầu tiên trên đất Mỹ, đã được chữa khỏi Ebola và đã xuất viện trong ngày 24/10.
Trong một tuyên bố, ông Anthony Fauci, giám đốc Viện các bệnh truyền nhiễm và Dị ứng Quốc gia Mỹ cho biết: “Bệnh nhân của chúng tôi, cô Nina Phạm đã được điều trị khỏi bệnh. Cô ấy đã không còn virus Ebola trong cơ thể. Cô ấy đã khỏe trở lại”.
Cô Nina Phạm cùng nữ y tá Amber Vinson đã bị nhiễm virus Ebola trong quá trình điều trị cho bệnh nhân Thomas Duncan, người Liberia đã qua đời hôm 8/10 vừa qua tại Mỹ. Hiện Amber Vinson đang được điều trị tại bệnh viện Đại học Emory ở Atlanta.
Trong lúc này, cộng đồng quốc tế vẫn đang đẩy mạnh các hoạt động đối phó với dịch Ebola. Hôm qua (24/10), Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy thông báo, lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu đã nhất trí tăng khoản viện trợ cho khu vực Tây Phi lên 1 tỷ euro (tương đương 1,26 tỷ USD) để đối phó với dịch bệnh Ebola.
Quyết định trên được đưa ra trong ngày họp thứ hai của Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu diễn ra tại Bỉ. Trước đó, lãnh đạo 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu và Ủy ban châu Âu đã nhất trí viện trợ gần 600 triệu euro để chi trả cho nhân viên và trang thiết bị y tế tại những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của bệnh dịch Ebola là Liberia, Sierra Leone và Guinea. Hiện đã có khoảng 4.900 người tử vong do bị nhiễm virus nguy hiểm này.
Cùng ngày, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thông báo sẽ viện trợ khoảng 82 triệu USD cho các quốc gia Tây Phi bị ảnh hưởng nặng nề bởi loại virus nguy hiểm này. Ông Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc sẽ viện trợ tiền mặt, vật chất; đồng thời cử các chuyên gia và nhân viên y tế cũng như hỗ trợ xây dựng các trung tâm điều trị ở Liberia.
Tổ chức Y tế Thế giới hôm qua cũng đã cử các chuyên gia y tế tới hỗ trợ Mali, quốc gia thứ 6 tại Tây Phi hôm 23/10 vừa qua đã xác nhận trường hợp lây nhiễm Ebola đầu tiên tại nước này./.