Chiều 15/8, Lực lượng tuần duyên Nhật Bản đã bắt giữ toàn bộ 14 thành viên của một đoàn thể Hongkong (Trung Quốc) có tên gọi “Ủy ban hành động bảo vệ Điếu Ngư” với tội danh nhập cảnh trái phép vào Nhật Bản.

14 người này đã đi trên một chiếc tàu cá và xâm nhập vào lãnh hải của quần đảo Senkaku. 5 người trong số đó đã tìm cách lên được đảo Uotsuri, một trong 4 đảo chính thuộc quần đảo này bất chấp nỗ lực ngăn cản bằng vòi rồng của Lực lượng tuần duyên Nhật Bản. Lực lượng tuần duyên và cảnh sát Nhật Bản cho biết, sẽ đưa 14 người này cùng tàu cá về đảo Okinawa để tiến hành điều tra.

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda trả lời câu hỏi của báo giới tối 15/8 đã khẳng định, sẽ xử lý nghiêm vụ việc theo đúng quy định của pháp luật. Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Kenichiro Sasae ngay trong tối 15/8 đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản - Trình Vĩnh Hoa đến Bộ Ngoại giao nước này để trao công hàm phản đối.

Chính phủ Trung Quốc đã có phản ứng đầu tiên về vụ việc. Tân Hoa Xã tối 15/8 đã đưa tin ngắn gọn cho biết, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã liên lạc khẩn cấp với phía Nhật Bản để đưa ra thông báo của mình. Mặc dù Tân Hoa xã không đề cập đến nội dung của thông báo nhưng giới quan sát cho rằng, thông báo sẽ không công nhận việc Nhật Bản bắt giữ 14 người đi trên tàu cá.

Trong khi đó, báo chí Trung Quốc tỏ ra đặc biệt quan tâm đến vụ việc với việc tường thuật chi tiết hành trình của tàu cá và coi việc 5 người trên tàu cá đổ bộ được lên đảo Uotsuri là một thành công.

Các trang mạng của Trung Quốc cũng tràn ngập lời khen ngợi các thành viên của tàu cá và coi họ là những anh hùng. Thậm chí còn có ý kiến quá khích cho rằng quân đội Trung Quốc cần phải xuất quân.

Vụ bắt giữ tàu cá Trung Quốc đã bắt đầu tác động đến quan hệ vốn không mấy suôn sẻ giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Cuộc gặp dự kiến vào ngày 16/8 tại Bắc Kinh giữa Vụ trưởng Vụ châu Á, châu Đại Dương, Bộ Ngoại giao Nhật Bản Sugiyama với Đặc phái viên về Triều Tiên của Trung Quốc - Vũ Đại Vỹ đã bị hoãn đột ngột.

Đây là cuộc gặp nhằm trao đổi ý kiến giữa Nhật Bản và Trung Quốc trước khi Nhật Bản và Triều Tiên nối lại đàm phán song phương vào ngày 29/8 tới. Một quan chức của Bộ Ngoại giao Nhật Bản thừa nhận cuộc gặp không thể diễn ra trong tình hình hiện nay. Quan chức này cũng cho biết, Nhật Bản sẽ tìm kiếm thời điểm thích hợp để tổ chức cuộc gặp với Trung Quốc trước ngày 29/8.

Vụ việc lần này khiến nhiều người liên tưởng đến sự cố va chạm giữa tàu cá Trung Quốc và tàu tuần duyên Nhật Bản hồi tháng 9/2010. Sau khi Nhật Bản bắt giữ thuyền trưởng tàu cá, phía Trung Quốc đã có một loạt động thái quyết liệt khiến quan hệ 2 nước rơi vào tình trạng cực kỳ căng thẳng. Chỉ đến khi Nhật Bản thả thuyền trưởng tàu cá, quan hệ 2 nước mới có phần dịu bớt./.